Ổn định nguồn lao động sau Tết

Thứ Tư, 01/02/2023, 18:27 [GMT+7]
In bài này
.

Sau kỳ nghỉ Tết khá dài, công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đã quay trở lại công ty với mong muốn một năm mới có việc làm và thu nhập ổn định.

Thống kê từ Sở LĐ-TB-XH cho thấy, đến nay đã có 87% công nhân lao động trên địa bàn tỉnh trở lại làm việc. Số còn lại chưa đi làm chủ yếu thuộc về một số ngành đặc thù. Đây là tín hiệu tích cực bởi như thông lệ hàng năm, sau Tết các DN luôn phải đối mặt với tình trạng lao động chuyển việc, hoặc ở lại quê không quay trở lại nữa. Điều này đã khiến cho DN phải bỏ ra một nguồn chi phí không nhỏ để tuyển dụng, đào tạo lại; đó là chưa kể đơn hàng cũng bị ảnh hưởng tiến độ.

Có được kết quả trên chính là nhờ thời gian qua, dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng các DN, chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện đầy đủ chính sách về tiền lương, bảo hiểm cũng như thưởng, chăm lo Tết cho người lao động. Nhiều DN dù thiếu đơn hàng vẫn không cắt giảm mà chia việc đều cho công nhân lao động, bảo đảm thu nhập cũng như tạo niềm tin triển vọng kinh tế sớm phục hồi. Do đó đã tạo được sự gắn bó bền vững giữa người lao động và DN.

Thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH cho biết, năm 2023 sẽ là một năm nhiều thách thức với thị trường lao động. Đầu năm không lo thiếu nhân lực, tuy nhiên quý I và quý II sẽ có hiện tượng thiếu việc làm ở các ngành dệt may, da giày và chế biến gỗ, chủ yếu ở khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, khó khăn từ các yếu tố bên ngoài sẽ ngày càng gia tăng. Sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, tình trạng thiếu đơn hàng ở một số ngành lĩnh vực tiếp tục diễn ra.

Việc ưu tiên hiện nay là duy trì và phát triển một thị trường lao động linh hoạt, bền vững. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Nghị quyết nêu rõ, phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; triển khai các giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số và sẵn sàng cho Cách mạng 4.0. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%…

Như vậy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần không nhỏ nhằm tạo được nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu mới cũng như ổn định thị trường lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường lao động hiện nay vẫn còn tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Trong khi đó, hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa phát triển đầy đủ. Do vậy, về lâu dài, cần xây dựng một lưới an sinh xã hội gắn liền với đảm bảo việc làm, chủ động tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, đồng thời tạo ra một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là kết nối cung - cầu, hạn chế tình trạng nơi cần thì không có, nơi có lại không cần.

NGÔ GIA

;
.