Lãng phí tài nguyên phụ phẩm nông nghiệp

Thứ Sáu, 03/02/2023, 19:34 [GMT+7]
In bài này
.

Phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp đang trở thành nguồn tài nguyên tái tạo, được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng gắn với tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tiềm năng và giá trị của phụ phẩm nông nghiệp (PPNN) nước ta là rất lớn. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, ước tính, tổng lượng PPNN của cả nước vào khoảng 160 triệu tấn/năm. Trong đó, có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,2%) như: rơm, rạ, trấu, vỏ trái cây, bã mía…; 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm khoảng 3,7%) và khoảng 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%) như: vỏ tôm, da cá các loại…

Trong đó, riêng khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, tài nguyên này chiếm khoảng 33,7% PPNN của cả nước, chủ yếu từ ngành trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thủy sản; với tổng lượng hơn 53 triệu tấn (13,9 triệu tấn tại khu vực Đông Nam Bộ và 39,4 triệu tấn tại đồng bằng sông Cửu Long).

Hàng năm, phần sinh khối PPNN từ các cây trồng chính như: lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương với 43 triệu tấn phân bón hữu cơ, 1,8 triệu tấn urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn và 2,2 triệu tấn kali sulfat. Đây được coi là nguồn tài nguyên tái tạo rất lớn để bù đắp lại dinh dưỡng cho đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, gần như phần lớn dưỡng chất này bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng.

Đánh giá về tình hình sử dụng PPNN của Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài cho rằng, Việt Nam có tổng lượng PPNN rất lớn, nhưng việc sử dụng để tái tạo giá trị tăng thêm và giảm tác động tiêu cực đến môi trường còn thấp. Trước những thách thức về vấn nạn ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cần nâng cao năng lực tái chế và sử dụng PPNN.

Thực tế cho thấy, PPNN trên địa bàn cả nước còn bị lãng phí rất lớn. Theo thống kê, có tới 45,9% rơm khô và vỏ trái cây bị đốt; 29% được dùng làm thức ăn cho gia súc, 8,6% bỏ tại ruộng và nương, vườn; 5% dùng ủ phân; còn lại được sử dụng cho các mục đích khác (làm củi, ủ nấm rơm, độn chuồng…). Chất thải trong ngành chăn nuôi, mới chỉ tận dụng được 23% để sản xuất phân bón hữu cơ, còn lại đang bị bỏ phí, chưa được sử dụng để cung cấp nguyên liệu đầu vào theo chuỗi liên kết tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Riêng phụ phẩm từ chế biến thủy sản của nước ta mới chỉ sử dụng làm bột cá, collagen, gelatin… trị giá khoảng 275 triệu USD, nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn bằng các kỹ thuật công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỷ USD. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí rất lớn về kinh tế.

Từ chủ đề tại một cuộc hội thảo gần đây “Phụ phẩm nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chúng ta mới chỉ chú trọng đến tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chứ chưa quan tâm đến lượng dư thừa của PPNN, chưa quan tâm đến sản xuất phân bón hữu cơ, tái tạo PPNN để bổ sung dưỡng chất và tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học. Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ gây lãng phí các PPNN và chất thải chăn nuôi, dẫn tới ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là một hướng chuyển mới của nền nông nghiệp nước ta. Để không bị lãng phí PPNN - nguồn tài nguyên tái tạo, các địa phương, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý PPNN, nhất là ở các địa phương có diện tích trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn. Khuyến cáo và hỗ trợ các chủ thể sản xuất nông nghiệp (mặt bằng, vốn, công nghệ…) để họ chú trọng thu gom, phân loại PPNN cũng như đầu tư cho công nghệ tái chế.

Khuyến khích các địa phương, các trang trại, dựa vào các mô hình và điều kiện cụ thể của mình để phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hợp lý cho doanh nghiệp, hộ nông dân thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của chu trình: sản xuất - phân phối- tiêu dùng - tái chế.

HOÀNG LÊ

 

 

;
.