Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo dịp Tết

Thứ Tư, 11/01/2023, 20:45 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày gần đây, nhiều người đã phải lên trang Facebook, Zalo cá nhân cảnh báo tình trạng họ nhận được những cuộc gọi, lời mời hoặc đường dẫn (link), tin nhắn giả mạo ngân hàng, cơ quan điều tra… với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Trong đó, tình trạng lừa đảo đánh cắp thông tin tài khoản, thẻ tín dụng ngày càng gia tăng, nhất là trong dịp cận Tết thông qua tin nhắn “dụ” khách hàng rút tiền khiến nhiều người “nhẹ dạ” bị sập bẫy.

Không chỉ người dân mà các ngân hàng cũng liên tục đưa ra cảnh báo về tình trạng mạo danh ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản của khách hàng. Nếu khách hàng bấm vào đường link liên kết trong tin nhắn thì thông tin và tiền trong tài khoản ngay lập tức sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt.

Phổ biến trong thời gian gần đây là kẻ xấu mạo danh tổ chức tài chính, công an, viện kiểm sát... gọi điện thông báo người dùng đang liên quan đến vụ án nghiêm trọng. Hoặc chúng giới thiệu dịch vụ đầu tư, tuyển cộng tác viên tải app để hưởng hoa hồng và yêu cầu người dùng tải app giả mạo từ link gửi qua SMS. Sau khi cài đặt app, người dùng điền tài khoản ngân hàng, tên đăng nhập, mật khẩu, số căn cước công dân. Nếu làm theo, những thông tin quan trọng nhất đã được chuyển về máy chủ của kẻ giả mạo. Chúng dễ dàng chiếm quyền quản lý và lấy tiền trong tài khoản, thậm chí đi vay tiền các tổ chức tín dụng.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng Internet ngày càng gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam năm 2022 cũng đã ghi nhận 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính, đó là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.

Cục An toàn thông tin - Bộ TT-TT vừa chỉ ra 3 nhóm lừa đảo chính với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, qua đó giúp người dùng nhận biết để phòng tránh. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài sản và các hình thức kết hợp. Cụ thể như sử dụng số điện thoại giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… để gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản; hoặc giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên. Để dẫn dụ nạn nhân, đối tượng xấu thực hiện chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo spam qua SMS...

Những chiêu trò kể trên tuy không mới, nhưng vẫn có nhiều người vẫn sập bẫy, bị kẻ gian chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Để tránh bị lừa, người dân cần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai; đồng thời nhanh chóng báo cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết.

Bên cạnh đó, để bảo vệ người dân trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều biện pháp mạnh tay hơn nữa, kịp thời ngăn chặn, xử lý, triệt phá các đường dây lừa đảo, bảo đảm cho người dân có một cái Tết an vui.

VÕ THANH

;
.