Nâng tầm nông sản địa phương

Thứ Ba, 10/01/2023, 19:43 [GMT+7]
In bài này
.

Ở Châu Đức hơn 20 năm nhưng lần đầu tiên tôi mới biết nơi đây có nhiều sản vật địa phương được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng lâu nay chính là nhờ gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP vừa mới được huyện khai trương ngày 9/1 vừa qua. Từ hạt điều rang muối, mật ong, chuối đến sản phẩm chế biến sâu như chocolate… có thể cạnh tranh với nhiều địa phương có thế mạnh khác nếu biết đầu tư bài bản, cũng như liên kết sản xuất theo chuỗi, đạt chuẩn an toàn.

Nhìn hộp chocolate, mật ong… đóng gói bao bì mẫu mã bắt mắt, có thương hiệu nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, cảm nhận rõ nhất hiệu quả chương trình OCOP mang lại là khi người nông dân được cầm tay chỉ việc, hỗ trợ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ thì họ đã tạo ra được sản phẩm chất lượng với tư duy nông nghiệp đã gắn với thị trường. Đặc biệt, cũng từ chương trình OCOP, các chủ thể tham gia đã quan tâm đến chứng nhận an toàn, chứng nhận quốc tế, tăng cường chế biến sâu. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để đưa sản phẩm đứng vững trên thị trường và hướng tới xuất khẩu. Và rõ ràng, từng giọt mật ong, hạt điều hay trái ca cao... nếu biết phát huy giá trị thì nông dân có thể sống tốt và vươn lên làm giàu.

Thông tin từ Sở NN-PTNT cho thấy, xác định OCOP là một trong những chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng khai thác phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Thời gian qua, các ngành chức năng cùng địa phương đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phát triển mới các điểm bán hàng, tổ chức các hội chợ chuyên sản phẩm OCOP cũng được ngành chức năng đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 89 sản phẩm nông nghiệp của 43 chủ thể được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, 62 sản phẩm 4 sao và 27 sản phẩm 3 sao. Riêng huyện Châu Đức có 48 sản phẩm OCOP, trong đó 20 sản phẩm đạt 4 sao và 28 sản phẩm đạt 3 sao. 

Cũng theo ngành nông nghiệp, đối với chương trình OCOP, Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách hợp lý để hỗ trợ, định hướng hình thành nên các kênh phân phối sản phẩm. Còn người dân tự quyết định lựa chọn và phát triển sản phẩm. Đây cũng là động lực tạo dựng những thương hiệu nông sản ở quy mô cấp làng, xã có thể vươn xa đến thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, muốn cạnh tranh được với hàng ngoại nhập đa dạng về mẫu mã, chất lượng cao, ngoài việc bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì sản phẩm OCOP phải tạo nét độc đáo riêng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Tiếp đó là cần có những chính sách phù hợp, tạo điều kiện để mỗi nông dân đều trở thành một nhân tố trong chuỗi giá trị. Từ đó, thay đổi tư duy và tạo dựng cách thức làm ăn mới, nâng tầm cho mỗi cây trồng, vật nuôi trên mảnh đất của mình.

LAM GIANG

;
.