Thay đổi tư duy phát triển vùng chuyên canh

Thứ Năm, 01/12/2022, 19:34 [GMT+7]
In bài này
.

Xuất khẩu các loại hàng hóa nông sản nước ta đang có sự tăng trưởng liên tục trong các năm gần đây, cả về số lượng và nhiều chủng loại khác nhau. Nhưng, để vượt qua được những rào cản kỹ thuật, giữ và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch, các địa phương, doanh nghiệp và các hợp tác xã cần thay đổi tư duy phát triển vùng chuyên canh hàng hóa nông sản.

Trong những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp công bố thêm các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch cho nhãn vào thị trường Nhật Bản, cho khoai lang, chanh dây vào thị trường Trung Quốc, cho chanh và bưởi vào thị trường New Zealand… càng làm cho người nông dân thêm phấn khởi về năng lực sản xuất hàng hóa xuất khẩu và tự tin hơn về sự thích ứng kịp thời vào quá trình chuyển đổi số.

Tuy nhiên, khi xuất khẩu chính ngạch các loại hàng hóa nông sản nêu trên, các nhà vườn phải đặc biệt lưu ý: chanh, bưởi vào thị trường New Zealand cần được quản lý dịch hại, sản phẩm phải được chiếu xạ và kèm theo giấy kiểm dịch thực vật. Trái nhãn sang thị trường Nhật Bản cần phải được áp dụng biện pháp xử lý lạnh nhằm bảo đảm không có rủi ro nhiễm ruồi đục quả Bactrocera dorsalis. Đây là biện pháp mới mà nước ta chưa áp dụng xử lý trên bất kỳ loại trái cây nào.

Riêng với khoai lang, khi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tiềm năng Trung Quốc, ngoài việc phải thực thi nghiêm ngặt về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, quy trình sản xuất… cần phải lấy mẫu 2% mỗi lô hàng. Nếu cơ quan kiểm dịch của hải quan Trung Quốc phát hiện các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, hoặc còn lá, còn đất kèm theo, thì lô hàng không được thông quan, vùng trồng khoai lang liên quan sẽ bị tạm dừng xuất khẩu.

Ngoài những thông số kỹ thuật chặt chẽ nêu trên, theo yêu cầu của các đối tác nhập khẩu hàng hóa nông sản, cũng như thông lệ quốc tế, diện tích vùng trồng được cấp mã số ít nhất phải từ 10ha trở lên. Các vùng trồng và các cơ sở đóng gói cần bảo đảm việc tuân thủ yêu cầu của từng quốc gia, từng thị trường. Cùng một mặt hàng nông sản, nhưng mỗi thị trường, mỗi quốc gia đều có những quy định riêng.

Nhằm ổn định chất lượng và bảo đảm tiêu chuẩn hàng hóa nông sản xuất khẩu, các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt 5 yêu cầu trong việc thiết lập vùng trồng. Đó là: Xác định diện tích chuyên canh; sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng; kiểm soát sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu; có nhật ký canh tác; và thực hành nông nghiệp tốt (tối thiểu là theo quy trình VietGAP).

Thực tế cho thấy, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở các vùng chuyên canh tập trung còn nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh để thu hút những doanh nghiệp lớn vào đầu tư sản xuất hàng hóa nông nghiệp, công nghệ cao. Ngoài ra, việc nhiều hộ nông dân vẫn còn tư tưởng giữ đất đã trở thành rào cản đối với công tác tích tụ đất đai để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Từ câu chuyện trái nhãn, bưởi, chanh, chanh dây và củ khoai lang mới đây được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc, tới những đòi hỏi khắt khe về quy trình sản xuất, về mã số vùng trồng, về quy định đóng gói, kiểm dịch sinh vật gây hại… cho thấy, các địa phương, các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp, nông dân cần phải thay đổi tư duy phát triển vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông sản xuất khẩu.

Phát triển vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu mang tính bền vững là một đòi hỏi tất yếu. Các địa phương cần dựa trên thế mạnh, điều kiện đặc thù, nhu cầu thị hiếu của thị trường, nhất là thị trường khó tính, để định hướng việc hình thành những vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã và các hộ dân tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu với số lượng lớn. Đồng thời, hoàn thiện chính sách cho vùng sản xuất chuyên canh tập trung, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

HOÀNG LÊ 

;
.