Lời cảnh báo từ thuốc lá
Việt Nam không phải là nước phát triển nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá đứng thứ 15 thế giới. Ước tính khoảng 15,6 triệu người hút thuốc, người dân bỏ ra đến 49.000 tỷ đồng mỗi năm để mua thuốc lá. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại của thuốc lá, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/11.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực thi hành ở nước ta từ ngày 1/5/2013. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, cùng chế tài xử phạt đã được ban hành với những điều khoản chi tiết. Tuy vậy, thuốc lá vẫn được bày bán và sử dụng rộng rãi trong đời sống.
Với sự phổ biến của hệ thống tiêu thụ khắp hang cùng, ngõ hẻm là cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, hay cả nhà hàng, quán ăn, cùng giá bán khá rẻ, người dùng dễ dàng mua được thuốc lá ở bất cứ nơi đâu. Tình trạng người dưới 18 tuổi mua và sử dụng thuốc lá; tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng, nơi cấm hút diễn ra khá phổ biến, nhưng có rất ít người bị xử phạt. Vì nhiều lý do, hầu hết người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc do người hút thuốc phả ra) đều cam chịu mà không dám lên tiếng, dù được pháp luật bảo vệ. Trong khi đó, lực lượng chức năng tham gia xử lý hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn mỏng và có rất ít trường hợp bị xử phạt.
Điều đáng chú ý, tỷ lệ người hút thuốc lá mới tăng nhanh trong giới trẻ. Theo thông tin từ hội thảo trên, tỷ lệ hút thuốc lá mới vào năm 2020 đã tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%), trong đó nam giới tăng 14 lần, nữ giới tăng 10 lần. Đáng báo động, hình ảnh học sinh, trẻ em phì phèo thuốc lá khi tụ tập nơi hàng quán diễn ra ở nhiều nơi.
Hút thuốc lá là một thói quen khó bỏ và cũng không phải là hành vi xấu. Người hút thuốc luôn có lý do riêng: hút cho đỡ buồn, hút vì thấy bạn bè hút, hút vì xã giao, hút thuốc giúp đầu óc tỉnh táo để tập trung làm việc… Tuy nhiên, nhiều người còn thiếu ý thức khi hút thuốc nơi công cộng, vứt bỏ tàn thuốc bừa bãi, vừa lái xe vừa hút thuốc. Những hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn có nguy cơ gây tai nạn giao thông (do tàn thuốc bay vào người đi sau), gây cháy nổ nếu tàn thuốc gặp chất dễ cháy…
Tác hại của thuốc lá đã được nhiều chuyên gia y tế chỉ rõ. Thuốc lá không chỉ tốn tiền của người sử dụng mà còn gây tổn hại đến sức khỏe người dân, làm gia tăng chi phí điều trị các bệnh liên quan do sử dụng thuốc lá, gây áp lực lên hệ thống y tế.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản). Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Riêng ở Việt Nam mỗi năm nước ta có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu Việt Nam không phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả.
Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp, làm tăng nguy cơ mắc COVID-19.
Do vậy, đã đến lúc cần triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh việc đánh thuế cao đối với thuốc lá nhằm hạn chế tình trạng hút thuốc, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc; truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; xử phạt nghiêm người dưới 18 tuổi hút thuốc lá; nâng cao chế tài xử phạt các hành vi phạm pháp luật liên quan đến thuốc lá.
NGUYỄN ĐỨC