Xứng đáng là người vẻ vang nhất
Trên trang facebook của một cá nhân nổi tiếng đưa lại hình ảnh cô giáo Huyền - giáo viên cắm bản Nậm Chua, Nậm Piền, Mường Chà, Điện Biên cõng học sinh vượt suối tới trường. Cô giáo Huyền còn rất trẻ, dáng vóc mảnh mai, cõng trên lưng cậu bé Lý A Dơ cũng mảnh mai, với đôi chân bị liệt, buông thõng xuống…Nước suối dâng cao, một màu đùng đục không còn là thách thức khi cả năm trời, ngày nào cô giáo Huyền cũng lội suối đến tận nhà cõng cậu học trò nhỏ Lý A Dơ tới lớp rồi lại lội suối cõng cậu trở về nhà.
Trên một chương trình của VTV1 được phát song gần đây cũng khiến nhiều người xúc động với hình ảnh của thầy giáo trẻ cắm bản ở nơi non cao, biên cương của Tổ quốc. Thầy giáo trẻ ấy “từ dưới xuôi lên”, tình nguyện bám trụ ở điểm trường còn là vách lá dựng tạm, chênh vênh trên điểm cao. Thầy giáo trẻ kiêm bảo mẫu, kiêm cả đầu bếp, kiếm từng mớ rau rừng, chăm lo cho bữa ăn, giấc ngủ của học trò, những cô cậu bé đến manh áo tươm tất để mặc cũng còn chưa có đủ.
Với những ai lớn lên ở phố thị, trong chăn ấm, nệm êm khó có thể hình dung được sự vất vả nhọc nhằn ở những vùng xa xôi hẻo lánh, còn nhiều khó khăn. Và ở những nơi đó, có những thầy cô giáo cắm bản, ngày đêm bám trụ với lớp, với trường để gieo con chữ cho học trò nghèo vùng cao.
Ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng còn đó những lớp học tình thương mà thầy cô giáo là những tình nguyện viên thầm lặng, có người đã nghỉ hưu, có người còn rất trẻ nhưng cùng chung mong muốn được gieo con chữ đến những trẻ em là dân tạm cư, chịu nhiều thiệt thòi. Lớp học có nơi là sân chùa, có nơi là trụ sở khu phố… học trò ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng cùng có chung mơ ước được gieo con chữ để cuộc đời tươi sáng hơn.
Có lẽ với những người thầy như thế, một năm cần nhiều hơn nữa những ngày 20/11 để tôn vinh họ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời từng nói: Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa người thầy với giáo dục và sự phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước là một quá trình thống nhất. Trong đó, người thầy giáo là chủ thể có vị trí cực kỳ quan trọng và rất vẻ vang. Người cho rằng, thầy giáo, cô giáo phải có ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức và trách nhiệm phục vụ nhân dân trong các hoạt động giáo dục, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực trong giáo dục; Yêu nghề, yêu ngành, yên tâm công tác, mô phạm trong quan hệ với nhân dân, đồng nghiệp và người học, thương yêu học sinh và sinh viên; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thật thà phê bình, đấu tranh, ngăn chặn nhà giáo vi phạm pháp luật và quy định nghề nghiệp.
Đặc biệt, Người nhấn mạnh rằng: Thầy giáo, cô giáo phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc”, nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ.
Những lời Người nhắc nhở luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa sâu sắc trong mọi thời đại, đặc biệt là giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang ngày càng hội nhập sâu hơn, yêu cầu ngày càng cao hơn đối với thầy giáo, cô giáo về phẩm chất, đạo đức và năng lực chuyên môn.
TIỂU CƯỜNG