Chạy nước rút giải ngân vốn đầu tư công
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2022 cả nước đạt 46,44% kế hoạch năm. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 51,34%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (55,8%). Chỉ có 11 bộ và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 55%, trong đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ước đạt 43,7%. Như vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên phạm vi cả nước khá chậm, khi chỉ còn 3 tháng là kết thúc năm tài khóa 2022.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong những tháng còn lại của năm 2022, trước xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường hơn của thế giới, kinh tế nước ta dự báo phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với thị trường tài chính, tiền tệ và hoạt động xuất nhập khẩu.
Do đó, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các công trình đầu tư công không chỉ tạo cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động giao thương, kết nối vùng miền, mà còn góp phần tạo điều kiện để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, tạo việc làm, tạo thu nhập cho người dân, hỗ trợ an sinh xã hội; góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên quan tâm và ban hành nhiều văn bản, ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Mới đây, ngày 10/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 1076/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Công điện nêu rõ, để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 khoảng 8%, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên chỉ đạo điều hành, góp phần phát huy hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2022. Các bộ, ngành, địa phương cần phấn đấu cao nhất để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Gần đây nhất, ngày 16/11, tại phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục yêu cầu: “Các bộ, ngành phải rà soát lại các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Nếu có vốn rồi phải làm cho nhanh, phải đầu tư công sức, “đắm đuối” với nó, phải lăn lộn, trách nhiệm thì mới làm được. Về giải phóng mặt bằng, tái định cư, các tỉnh phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đây là việc khó nhưng không có nghĩa khó là không làm được”.
Thời gian còn lại để thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 không nhiều. Để việc giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, cần chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023, tích cực giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm, không để chậm trễ.
ĐỨC NGUYÊN