Công nghiệp hỗ trợ cần hỗ trợ

Thứ Tư, 09/11/2022, 18:35 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi thăm chủ một doanh nghiệp (DN) ngành dệt may về tình hình sản xuất cuối năm, anh cho biết, dù vẫn hoàn thành kế hoạch nhưng tình hình trước mắt vô cùng khó khăn. Đó là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nhiều FTA có hiệu lực, lĩnh vực dệt may nói riêng và ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói chung đã bắt đầu bộc lộ nhiều điểm yếu, khó cạnh tranh với một số nước trong khu vực.

Trong đó, sự yếu kém về công nghiệp hỗ trợ, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đã làm giảm tính cạnh tranh sản phẩm. Cũng theo chủ DN này, nếu như trước đây việc ký kết đơn hàng thường mang tính dài hạn, 6 tháng hoặc 1 năm thì nay đơn hàng khá nhỏ giọt.

Thống kê cho thấy, đến thời điểm này khoảng 80% nguyên liệu dệt may vẫn phải nhập khẩu từ các nước. Trung bình mỗi tháng Việt Nam phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập nguyên liệu như bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành da, giày… Trong khi đó, các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi.

Yêu cầu về quy tắc xuất xứ bắt buộc DN dệt may phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi. Đây cũng là thách thức cho lĩnh vực này khi rất nhiều địa phương đang lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường, đã siết chặt việc thu hút đầu tư dệt, nhuộm.

Yếu công nghiệp hỗ trợ cũng khiến một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, da giày, lắp ráp ôtô, xe máy… bị động trong sản xuất, đối mặt nhiều rủi ro khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, chi phí sản xuất cao, khó cạnh tranh khi gia nhập thị trường quốc tế.

Theo Bộ Công thương, đến nay có khoảng 30% DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử chỉ từ 5-10%; ngành ô tô từ 7-10%; ngành dệt may, da giày từ 45-50%. Về trình độ công nghệ, hơn 30% DN cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% DN có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% DN có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.

Do đó Bộ Công thương đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 45% nhu cầu nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Mục tiêu là vậy, tuy nhiên trước thực trạng quy mô và năng lực DN công nghiệp hỗ trợ còn thiếu mà yếu thì rõ ràng, ngành này đang rất cần được hỗ trợ vượt qua khó khăn để lớn mạnh hơn. Ngoài việc “trợ lực” mạnh mẽ của của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định thì ngay chính bản thân DN cũng cần phải tự vươn lên, thích ứng để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

LAM GIANG

;
.