Níu chân du khách

Thứ Sáu, 11/11/2022, 17:25 [GMT+7]
In bài này
.

1.  Nếu mê xê dịch, chắc hẳn cụm từ Sin Suối Hồ hoặc bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) ai cũng ít nhất một lần nghe qua. Tôi cũng vậy. Đã từng nghe, cũng muốn đến một lần để chạm vào núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, được khám phá và làm dày thêm kiến thức về văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Ấy vậy nhưng cung đường lên Sin Suối Hồ không như tôi tưởng.

Sin Suối Hồ cách TP.Lai Châu hơn 35km. Đường lên Sin Suối Hồ đang thi công đất đá lởm chởm.

Hảng Thị Qua, cô gái H’Mông hướng dẫn chúng tôi dạo chơi Sin Suối Hồ cho biết, trải qua 2 năm dịch COVID-19, rồi cung đường độc đạo từ TP.Lai Châu lên Sin Suối Hồ vốn đã xuống cấp từ lâu đang được xây dựng mới. Giao thông đi lại mệt nhọc nên khách du lịch ít lui tới. Nhưng người dân bản vẫn trong tâm thế chào đón khách đến, giữ gìn môi trường cảnh quan sạch đẹp, ứng xử văn minh, duy trì nếp sinh hoạt cộng đồng thường nhật.

Sau mùa lúa, phụ nữ bản may vá, thêu thùa, làm phụ kiện, trang sức bán cho khách du lịch làm quà lưu niệm đều có tiền, thậm chí được giá gấp 2-3 lần công may bình thường. Mớ rau dớn, bó lá thuốc, thịt heo, thịt trâu, gạo nương, khoai sâm, sâu măng… thu hái từ rừng hoặc do bà con nuôi trồng khi đưa vào chế biến bữa ăn phục vụ khách du lịch, giá trị nâng lên nhiều. Đời sống dân bản ngời lên màu no ấm nhờ đón khách du lịch. Do đó, người dân trong bản cùng bảo nhau thực hiện “5 không”: không uống rượu, không hút thuốc phiện, không xả rác bừa bãi, không tệ nạn và mâu thuẫn cộng đồng, không chèo kéo khách để khách đến hài lòng, khách đi lưu luyến.

Không chỉ Sin Suối Hồ, các tỉnh Tây Bắc có rất nhiều bản đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch cộng đồng thành công nhờ vào ý chí vượt khó, vươn lên thoát nghèo, vươn tới cuộc sống sung túc và ánh sáng văn minh, trở thành những mô hình điểm đáng để học tập.

2. Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hệ thống giao thông kết nối đồng bộ nhanh chóng. Thu nhập và mức sống của người dân cao nhất nước. Địa hình biển bao quanh hơn 300km với nhiều bãi tắm đẹp, nắng ấm quanh năm. Du lịch nghỉ dưỡng biển đã nổi danh từ thời Pháp thuộc.

Thế nhưng, xuất phát điểm quá thuận lợi đôi khi lại hạn chế suy nghĩ tìm tòi sự khác biệt. Quan sát diễn tiến của ngành du lịch sẽ thấy rõ điều này: Hệ thống dịch vụ du lịch theo thời gian tăng nhanh nhưng chủ yếu là cơ sở lưu trú, ăn uống bình dân và mức trung. Phân khúc cao cấp có nhưng còn rất ít. Dịch vụ bổ trợ cho du lịch như khu vui chơi, bảo tàng, công viên giải trí… có nhưng chưa đặc sắc, chưa đủ sức hút kéo du khách quay trở lại.

Liên hệ từ Tây Bắc, có thể nói rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu không hề thiếu những sản phẩm độc, lạ để “kéo” du khách ra khỏi khách sạn, nhất là khi đêm xuống. Chẳng hạn, xã đảo Long Sơn có tín ngưỡng Ông Trần và di tích Nhà Lớn Long Sơn. Xã đảo cũng phát triển nghề nuôi hàu, cá lồng bè và hệ thống nhà hàng nổi trên sông. Nếp sống, sinh hoạt của cư dân đậm chất Nam bộ. Giao thông kết nối Long Sơn với các khu vực lân cận thuận tiện. Tóm lại, Long Sơn hội đủ những yếu tố trở thành điểm du lịch vệ tinh của tỉnh với loại hình du lịch cộng đồng. Điều cấp thiết hiện nay là phải có nghiên cứu bài bản về khả năng phát triển du lịch cộng đồng, từ đó khuyến khích, hướng dẫn cách làm, tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch để người dân mạnh dạn đầu tư đón khách du lịch.

Ở các vệ tinh như: Bà Rịa, Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ có nhiều nghề gắn bó lâu đời là sinh kế của người dân, thiên nhiên đồng quê trong lành bình dị làm say lòng người. Chỉ cần có nhà đầu tư tâm huyết, đủ tầm biến nguồn “vốn” tự nhiên thành sản phẩm độc, lạ, chắc chắn du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có bước đột phá, thu hút nguồn khách chất lượng và giữ chân du khách lưu lại lâu hơn.

TRẦN HIỀN

 

;
.