“Ai làm sai thì phải xử lý nhưng không vì xử lý mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm”. Đó là cảnh báo của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi nói về quyết tâm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang rất phổ biến ở các bệnh viện trên cả nước.
Có lẽ, hiếm khi nào, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế lại là vấn đề nóng bỏng như hiện nay. Nó không chỉ vấn đề riêng tại các bệnh viện mà còn là của toàn ngành y tế, trong một bối cảnh khá nhạy cảm khi các loại dịch bệnh vẫn đang trong nguy cơ bùng phát mạnh.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ tháng 4/2022, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã xảy ra. Nhiều loại thuốc gây tê, gây mê, thuốc điều trị suy tim, điều trị đái tháo đường, phía đơn vị cung ứng không có hàng. Các vật tư nằm trong danh mục đấu thầu tập trung (dây truyền dịch, bơm tiêm, kim luồn, găng tay…) phía đơn vị cung ứng chỉ giao được với số lượng hạn chế.
Cho đến nay, tình trạng vẫn chưa được khắc phục. Báo cáo mới nhất của ngành y tế Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, một số loại thuốc, vật tư y tế vẫn thiếu. Đáng chú ý, có những loại thuốc sử dụng trong chẩn đoán, điều trị bệnh số xuất huyết: Hydroxyethyl starch (HES 200.000 dalton), Dextran 70, Dextran 40 không có trên thị trường. Các cơ sở khám, chữa bệnh phải dùng loại thuốc khác để thay thế.
Thiếu thuốc và vật tư y tế, hậu quả chính đè nặng lên bệnh nhân và người dân nói chung. Với những người đã tham gia BHYT, việc không được thụ hưởng chính sách vì thiếu thuốc là hoàn toàn không thỏa đáng, ảnh hưởng đến công bằng xã hội. Đồng thời, với lý do tương tự, sẽ làm suy giảm nghiêm trọng sức hút của BHYT đối với người dân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, trao đổi tại tọa đàm “Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu là cơ chế pháp lý, thể chế chưa rõ ràng, cụ thể, các cơ sở khám chữa bệnh chưa có hành lang pháp lý. Thủ tục đấu thầu, năng lực tham gia đấu thầu còn hạn chế…
Nói về cơ chế đấu thầu hiện nay, hầu hết ở các lĩnh vực khác liên quan đến sử dụng tài sản công, đều gặp những thủ tục phức tạp. Và vì quá phức tạp nên tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ. Không làm thì không đặng. Mà làm thì phải cực kỳ cẩn trọng, chính xác nếu không muốn trái với quy định…
Riêng về lĩnh vực y tế, các chuyên gia cho rằng, vào thời điểm này, các cấp, các ngành cần khẩn trương sửa đổi các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, giá thuốc, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế.
Sức khỏe, tính mạng của người dân không phải là chuyện của một tháng, một năm, mà là việc phải xử lý trong từng phút, từng giờ. Tình trạng thiếu thuốc hiện nay đang gây nhiều bức xúc trong xã hội, để lại tâm lý bất an trong đời sống nhân dân. Nó không phải là căn bệnh có thể chữa trị một cách lê thê, tháng này qua tháng khác, mà cần phải được loại bỏ ngay.
Vào lúc này, “đứng sang một bên” - không chỉ là vị trí thuộc về trách nhiệm, ý thức của một ai đó. Những bất cập, rối rắm trong thể chế, thủ tục trước hết, cũng cần... “đứng sang một bên”.
HOÀNG NAM