Cuối tuần rồi cậu tôi đến chơi nhà. Món quà dành cho đứa cháu lên 5 tuổi là chiếc máy bay trực thăng và những con vật như rùa, thỏ… được làm bằng chai nước suối 1 lít, ống hút nhựa. Cậu bé vô cùng thích thú, cầm chơi cả ngày không chán, cũng không “màng” đến điện thoại, ti vi. Hỏi ra mới biết, đây là những sản phẩm được cậu tái chế từ những chai nhựa, ly nhựa sau khi sử dụng từ các hội nghị của công ty.
“Một chai nhựa nếu bị vứt đi sẽ phải mất hàng trăm năm phân hủy, nhưng nếu được thu gom tái chế thì sẽ là nguyên liệu đầu vào của nhiều sản phẩm khác. Đừng vứt đi cháu ạ, cứ gom lại và gửi cho cậu, cậu sẽ cho nó một đời sống mới”, cậu tôi chỉ vào chai nước suối Aquafina và giải thích.
Câu chuyện tưởng như khác biệt ấy lâu nay đã được rất nhiều gia đình, trường học mầm non và một số tổ chức khác triển khai. Không chỉ chai nhựa, những sản phẩm như quần áo cũ, giày, giỏ xách… có thể tái chế để sử dụng thêm nhiều lần nữa. Thay vì “có mới nới cũ”, thì chúng ta hãy “sống mới với cũ”.
Chiếc quần jean cũ có thể tái chế thành chiếc giỏ xách tiện dụng, phong cách và hữu ích. Giỏ xách cũ đừng vứt đi mà làm mới bằng cách trang trí hoặc dán những miếng vá bắt mắt. Quần áo cũ không sử dụng nhưng còn tốt hãy làm sạch và cho người cần… Những món đồ cũ ấy khi được kéo dài vòng đời sẽ hạn chế rác thải ra môi trường. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc chuyển từ đồ nhựa dùng một lần sang các sản phẩm có thể tái sử dụng mang lại nhiều lợi ích hơn chi phí bỏ ra. Đây cũng là cách xây dựng một thế giới bền vững, tiêu dùng bền vững, sống xanh, thân thiện với môi trường.
Lâu nay, mô hình sản xuất tiêu dùng truyền thống theo hướng khai thác - sử dụng - thải bỏ đã gây áp lực ngày càng lớn lên môi trường, phá hủy các hệ sinh thái và nguồn vốn tự nhiên đang cạn kiệt. Báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank) công bố mới đây cũng cho thấy, uớc tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn. Thực tế này khiến Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới.
World Bank cũng dự báo tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi đô thị hóa, cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng và phát triển kinh tế mạnh mẽ, sẽ dẫn đến khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nhanh. Đến năm 2030, sau chưa đầy 15 năm, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 27 triệu lên 54 triệu tấn. Nhựa từ chất thải không được thu hồi, tái chế khiến mỗi năm Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD.
Chính vì vậy, việc chuyển đổi hướng kinh tế, từ nền kinh tế sản xuất và tiêu dùng, tiêu tốn tài nguyên sang nền kinh tế tuần hoàn, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững là giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng cấp thiết trên. Bởi lẽ, khi vòng đời sử dụng của một sản phẩm tăng lên, áp lực sản xuất lên môi trường sẽ được giảm đi.
Không chỉ là tái chế, coi chất thải là tài nguyên mà kinh tế tuần hoàn còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn, hướng tới việc dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể. Đây cũng là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.
NGÔ GIA