Trong thế giới 8 tỷ người

Thứ Sáu, 29/07/2022, 20:20 [GMT+7]
In bài này
.

Thế giới sẽ chào đón công dân thứ 8 tỷ vào ngày 15/11/2022. Thông điệp đó được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra trong Ngày Dân số Thế giới 11/7 vừa qua.

Người Việt Nam chúng ta đón nhận sự kiện này với tâm trạng có lẽ như nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: Thế giới cán mốc 8 tỷ người mang tới những cơ hội và thách thức. Con số trên là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong việc quan tâm đến hành tinh, cũng như để suy nghĩ về việc thế giới vẫn còn thiếu các cam kết vấn đề bảo đảm chất lượng cuộc sống.

Dân số nước ta hiện đứng hàng thứ 15 trên thế giới với dự báo đạt 99,44 triệu người vào năm 2022. Chất lượng dân số ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. 58 triệu người trong độ tuổi lao động, nhóm dân số từ 10-24 tuổi chiếm gần 1/3 dân số cả nước. Đây là cơ hội lớn để nguồn lao động trẻ lao động cật lực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước. Đáng lưu ý, thời kỳ cơ cấu dân số vàng sẽ kéo dài tới năm 2040, đủ để chúng ta đầu tư lớn và có hiệu quả cho y tế, phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực - những nhân tố tác động tích cực đến kỹ năng, trình độ của lực lượng lao động.  

Bên cạnh cơ hội lớn trên đây, chúng ta cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Đó là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng. Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp là 3,22%, cao nhất so với hàng chục năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19; Chênh lệch mức sinh giữa các vùng, mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa và chất lượng dân số thấp, năng suất lao động còn thấp do tỷ lệ lao động qua đào tạo còn cao.

Chất lượng sống là một khái niệm vừa mang tính vật chất lẫn tinh thần. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dựa trên sự tổng hòa của mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người, từ kinh tế, chính trị, xã hội, đến vấn đề chăm sóc sức khỏe, học hành, đi lại, giáo dục, sinh hoạt văn hóa, môi trường, hệ thống giao thông. Không phải có nhiều tiền là có cuộc sống tốt. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm trở lại đây, thu nhập của người dân tuy có tăng lên nhưng chất lượng cuộc sống lại giảm. Người dân luôn sống trong căng thẳng, lo âu về chuyện kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Các chỉ số về thể lực như chiều cao, cân nặng, sức bền, suy dinh dưỡng… của người dân và trẻ em nước ta vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Việc tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, nhất là với người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế.

Theo ghi nhận, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi (Bà Rịa - Vũng Tàu là 76,4 tuổi), nhưng trung bình tuổi thọ khỏe mạnh lại chỉ 64 năm. Có nghĩa là, bình quân mỗi người dân Việt Nam có 12 năm đau ốm bệnh tật trong vòng 72 năm tuổi sống. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người già. Những bất cập trong quản lý xã hội, đô thị, đầu tư công, môi trường sống không an toàn là những yếu tố làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người dân.

Đảng bộ, chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang nỗ lực xây dựng tỉnh nhà thành nơi đáng sống, triển khai nhiều chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mang đến những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội. Tất nhiên, trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, người dân khó có thể thỏa mãn đầy đủ được ngay các nhu cầu vật chất và tinh thần để duy trì cuộc sống, đặc biệt là những nhu cầu về dinh dưỡng và năng lượng. Song, với Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn 2045, tin chắc Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là nơi đáng sống, chất lượng sống của người dân sẽ khác xa so với hiện nay, mọi người đều có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc, có cơ hội học tập suốt đời.

NGUYỄN HƯNG NHƠN 

 

;
.