Làm việc đáng làm để an toàn

Thứ Ba, 02/08/2022, 08:26 [GMT+7]
In bài này
.

Đã qua rồi cái thời chúng ta chờ từng giọt vắc xin. 1 năm trước, có những lúc, được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là cả một niềm mơ ước. Khi đó, vắc xin là chỗ dựa, là ưu thế tuyệt đối để chống lại mối nguy hiểm bị tấn công bởi dịch bệnh.

Vắc xin cũng cực kỳ khan hiếm. Cuộc họp nào, diễn đàn nào cũng bàn đến chuyện vắc xin. Phân bổ như thế nào; tỉnh này bao nhiêu, tỉnh kia bao nhiêu. Đối tượng nào được tiêm trước, đối tượng nào tiêm sau…

Loắng cái đã 1 năm…

Không gian về đại dịch như làm thay đổi cảm quan của con người về thời gian.  Với không ít người, 1 năm dịch bệnh với lệnh phong tỏa, kiểm soát lưu trú như thời gian của 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn. Trong cuộc sống bình thường nhìn lại, thấy thời gian đại dịch đã như chuyện “ngày xưa”.

Nay vắc xin phòng COVID-19 không còn khan hiếm nữa. Sống trong cuộc “bình thường mới” đã lâu ngày nên nhiều người bắt đầu thờ ơ với vắc xin, với sự an nguy từ đại dịch. Dù sao thì dịch bệnh vẫn còn đang rất nguy hiểm. Dù sao vắc  xin vẫn là phương án tối ưu nhất - đã được cả thế giới thừa nhận - để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh và biến chứng nặng nếu chẳng may nhiễm bệnh. 

Tỉnh BR-VT đang tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân. Thời gian gần đây, các điểm tiêm chủng đều ghi nhận số người đến đăng ký tiêm tăng cao, nhưng tỷ lệ phủ mũi 4 vẫn chưa như mong đợi (mới chỉ đạt trên dưới 10%); số trẻ từ 12-17 tuổi hoàn thành tiêm mũi 3 cũng ở tỷ lệ tương tự. Rõ ràng, khi mức độ lo lắng về sự an nguy từ dịch bệnh giảm đi thì suy nghĩ về việc cần phải có vắc xin cũng giảm theo tỷ lệ thuận. 

Nhưng đó có thể sẽ là suy nghĩ sai lầm!

Hiện nay, ngoài dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến với một số biến chủng khá phức tạp, tại BR-VT còn có sự bùng phát rất mạnh của dịch sốt xuất huyết. Nhiều người dùng thuật ngữ “dịch chồng dịch” để ám chỉ sự phức tạp của nhiều loại dịch cùng lúc. Trên thực tế, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, không phải đợi đến khi có sự xuất hiện của COVID-19 mới có trạng thái “dịch chồng dịch”. Ở tất cả các năm, luôn có tình trạng dịch này bùng phát song song với dịch kia. Đây là chuyện rất bình thường. Không có gì phải lo lắng ở mức thái quá. Dĩ nhiên, chuyện dịch bệnh này bùng phát cùng lúc với dịch bệnh khác là chuyện không mong muốn, rất dễ gây quá tải với hệ thống y tế và công tác phòng chống dịch.

Để đối phó hiệu quả với dịch bệnh, vẫn luôn cần đến ý thức của mỗi người dân. Muốn tránh sốt xuất huyết thì nỗ lực hết sức để diệt lăng quăng, tiêu diệt mầm mống gây bệnh; muốn phòng chống dịch COVID-19, phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch, phải đi tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4. Đó là những cách đơn giản nhất, là việc đáng làm để giữ an toàn. Quan trọng hơn, không chỉ có lợi cho bản thân, việc tích cực thực hiện những giải pháp phòng, chống dịch là chung tay giảm áp lực cho toàn xã hội.

HOÀNG NAM

;
.