Quản lý hoạt động thương mại điện tử

Thứ Năm, 18/08/2022, 18:17 [GMT+7]
In bài này
.

Sau những tác động của dịch bệnh COVID-19, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng đang ngày càng trở nên phổ biến, chiếm ưu thế lớn và góp phần tạo nên sự tăng trưởng bứt phá trong các giao dịch hàng hóa.

Hoạt động TMĐT được coi là một “sân chơi” lớn của nhiều doanh nghiệp, tạo ra một xu thế mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu. Đồng thời, TMĐT cũng được ví như chiếc “phao cứu sinh” giúp cho nhiều doanh nghiệp, nhiều đối tượng kinh doanh buôn bán vượt qua khó khăn của biến động thị trường.

Tuy vậy, TMĐT cũng kéo theo tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý và quản lý hoạt động TMĐT.

Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã được chứng kiến sự bùng nổ và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô của hoạt động kinh doanh TMĐT. Số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, hoạt động kinh doanh TMĐT của nước ta thời gian qua tăng trưởng ấn tượng với hơn 7,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%; gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%; tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%. Dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025, quy mô TMĐT của nước ta sẽ đạt 52 tỷ USD.

Thực tế cho thấy, khi cần mua sắm một loại hàng hóa nào đó, người tiêu dùng chỉ cần nhập từ khóa của sản phẩm trên Google, sau vài giây là có thể nhận được hàng chục kết quả rao bán cùng loại sản phẩm, với đa dạng các mức giá và mẫu mã. Nếu không kỹ lưỡng, không cẩn thận tìm hiểu thông tin về sản phẩm, ham giá rẻ thì việc người tiêu dùng mua phải hàng hóa chất lượng kém là khó tránh khỏi. Đặc biệt, việc mua bán online trên các sàn TMĐT hoặc qua các mạng xã hội như facebook, zalo… người mua sắm còn bị một số DN, đối tượng kinh doanh buôn bán lợi dụng để tuồn hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, thậm chí cả hàng cấm.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm gian lận thương mại. Trong đó, có 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; hơn 1.000 vụ hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ. Thu nộp ngân sách Nhà nước 3.728 tỷ đồng. Cùng thời gian đó, trên địa bàn tỉnh BR-VT, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 địa phương đã phát hiện 880 vụ việc với 885 đối tượng; xử lý hành chính 827 vụ với số tiền xử phạt và truy thu hơn 162,4 tỷ đồng; khởi tố hình sự 44 vụ/ 46 đối tượng.

Do tính chất đặc thù của TMĐT, khi người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp, chỉ thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng, nên hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… xuất hiện ngày càng nhiều. Để bán được nhiều hàng, các đối tượng kinh doanh thường dùng những hình thức phổ biến như livestream với giá sản phẩm rất rẻ, kèm theo lời mời chào hấp dẫn để thu hút khách hàng.

Khó khăn đối với lực lượng chức năng trong việc quản lý hoạt động TMĐT là tình trạng các đối tượng kinh doanh lập nhiều tài khoản bán hàng trên các mạng xã hội (facebook, zalo, sàn TMĐT…), mập mờ trong đăng ký hoạt động, khai báo thông tin không chính xác về nhân thân, thường xuyên thay đổi địa chỉ, hoặc khi có dấu hiệu vi phạm thì xóa bỏ mọi hình ảnh có liên quan. Các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa trong hoạt động TMĐT diễn ra ngày càng tinh vi, với nhiều mô hình mới khiến việc phát hiện, xử lý trở nên phức tạp hơn.

Do đó, để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hoạt động TMĐT, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… các cơ quan chức năng cần phải đổi mới phương thức quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các đơn vị để nhanh chóng phát hiện “đầu vào” của hàng hóa. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt đủ sức răn đe nhằm làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng và không gây thiệt hại cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

HOÀNG LÊ 

 

;
.