"Nóng" hay "lạnh" là ở ý thức, trách nhiệm

Thứ Ba, 16/08/2022, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng sớm, trong nhóm zalo của tổ dân cư nơi tôi ở đã sôi động về chủ đề tiêm vắc xin mũi tăng cường. Một chủ đề gần như đã khá chìm trong nhiều ngày qua. Danh sách đăng ký tiêm mũi 3, 4 đã dần dài thêm…

Trong vài tuần gần đây, tại hầu hết các điểm tiêm ngừa vắc xin COVID-19 đã nhộn nhịp trở lại, thậm chí, có không ít người đã “chưng hửng” ra về do hết vắc xin và phải chờ đến lượt tiêm sau. Chẳng bù cho những tuần trước, số người đến tiêm chủng chỉ lưa thưa, dù đã được vận động ở từng khu phố, tổ dân cư. Sở dĩ có hiện tượng trên, một phần do thông tin về các biến thể mới đã xâm nhập vào Việt Nam và số ca mắc COVID-19 đang dần tăng trở lại.

Đến thời điểm này, sau hơn 2 năm chống dịch, dù COVID-19 đã được coi là tạm lắng và được kiểm soát tốt, nhưng hiện vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa là bệnh lưu hành do diễn biến khó lường và những nguy cơ từ COVID-19. Dịch vẫn có thể bùng phát trở lại và làm gia tăng số ca phải nhập viện, trở nặng, dẫn đến tử vong.

TP.Hồ Chí Minh đã phải tính đến phương án kích hoạt bệnh viện dã chiến trở lại khi tình hình dịch có diễn tiến xấu. Theo thống kê, trong tuần qua, thành phố ghi nhận trung bình 144 ca mắc mới mỗi ngày, cao hơn 10 ca so với trung bình tuần trước. Số ca nhập viện và nặng cũng có xu hướng tăng, với trung bình 35 ca nặng mỗi ngày (trung bình tuần trước đó là 18). 7 bệnh nhân nặng phải thở máy xâm lấn tại các bệnh viện.  Đặc biệt, số trẻ nhập viện vì mắc COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại. Tất cả bệnh nhi đều chưa được tiêm vắc xin, trong đó nhiều trẻ ở độ tuổi có chỉ định tiêm phòng.

Bộ Y tế cũng liên tục có chỉ đạo về phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho tất cả các đối tượng có chỉ định. Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của chủng Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh. Gần đây, trung bình mỗi ngày nước ta có khoảng 2.000 ca mắc.

Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, thống kê mới nhất của Sở Y tế, toàn tỉnh đã ghi nhận 5 ca nhiễm biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron. Loại biến thể này được đánh giá có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước. Dự báo, số ca mắc COVID-19 trong tỉnh sẽ tăng cao trong những ngày tới do biến thể phụ này.

UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động. Đặc biệt, quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.

Những bài học từ các đợt cao điểm chống dịch COVID-19 trong suốt hơn 2 năm qua vẫn còn hiện hữu. Ý thức của người dân là vô cùng quan trọng. Trong đó có việc tuân thủ đeo khẩu trang, tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo từ Bộ Y tế. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) GS.TS Phan Trọng Lân, nhấn mạnh, vắc xin vẫn là yếu tố quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của các biến thể. Đặc biệt, với những đối tượng nguy cơ cao rất cần phải tiêm mũi 3 và 4 vắc xin phòng COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe vừa nâng cao dự phòng. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại.

Dịch COVID-19 có “nóng” lên hay không phần nhiều phụ thuộc vào ý thức tự giác, trách nhiệm trong phòng, chống dịch của mỗi người. Hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã được minh chứng qua thời gian. Vắc xin không còn quá khan hiếm mà đã đủ để đáp ứng nhu cầu. Vậy, để COVID-19 nguội đi, lắng xuống, sớm ra khỏi danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A rất cần đến trách nhiệm của từng cá nhân với chính mình, với gia đình và cộng đồng.

HẠ VY

;
.