Động lực mới cho tam nông

Thứ Tư, 17/08/2022, 18:46 [GMT+7]
In bài này
.

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức. Điều khiến tôi ngạc nhiên khi thấy vùng quê với những con đường đất gồ ghề xưa kia như đã khoác lên một tấm áo mới. Đường ấp xe ô tô vào tận ngõ khi được nâng cấp, trải nhựa. Hai bên đường đủ loại hoa đua nhau khoe sắc. Không chỉ mang lại diện mạo mới về cảnh quan môi trường, việc triển khai nhiều mô hình làm ăn kinh tế cũng khiến thu nhập của nhiều hộ dân thay đổi từng ngày.

Có được kết quả này chính là nhờ thời gian qua xã Bình Ba đã tập trung các nguồn lực để đạt các mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao và tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Các chủ trương, chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (hay còn gọi là tam nông) được triển khai hiệu quả, toàn diện, góp phần giúp người dân vùng nông thôn nâng cao chất lượng đời sống vật chất lẫn tinh thần. Đã có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp với sự thay đổi trong tư duy sản xuất mang lại thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/1ha.

Không chỉ xã Bình Ba, bức tranh nông thôn tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực sự đổi thay nhờ tam nông được quan tâm đầu tư phát triển. Đây cũng là minh chứng sống động cho kết quả thực hiện Nghị quyết 26 về tam nông trong thời gian qua. Thành công lớn nhất trong phát triển tam nông không chỉ nằm ở những con số mà còn từ việc thay đổi được nhận thức, tư duy của người dân. Do đó, những năm tiếp theo cần tiếp tục quan tâm đầu tư để nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Mới đây, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19). Trên cơ sở kế thừa Nghị quyết 26, Nghị quyết 19 tiếp tục xác định nông nghiệp - nông dân - nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời có thể tạo ra bước đột phá trong phát triển lĩnh vực tam nông, cũng như được hy vọng là bước tạo đà cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững...

Như vậy, “kim chỉ nam” cho tam nông đã có. Tuy nhiên, để Nghị quyết 19 sớm đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ban ngành, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tạo động lực mới cho nông nghiệp tiếp tục là  bệ đỡ phát triển kinh tế - xã hội.

NGÔ GIA

 
;
.