Đất đai là nguồn tài nguyên, là tài sản quan trọng của quốc gia. Do đó, việc phân bổ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn là vấn đề xuyên suốt trong hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Mới đây, ngày 16/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nghị quyết 18-NQ/TW có nhiều nội dung quan trọng, tạo tiền đề hướng tới những bước đột phá trong lĩnh vực đất đai; trong đó, có chủ trương tiến tới bỏ khung giá đất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, ngăn chặn tệ nạn đầu cơ, tham nhũng.
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển tương đối nhanh; thể chế, chính sách phát triển thị trường bất động sản và chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất tại nhiều địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tài nguyên đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai. Giá đất được xác định theo khung giá thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường, hình thành cơ chế “hai giá” là kẻ hở để nhiều cán bộ biến chất tham nhũng, trục lợi cá nhân.
Những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng và khai thác đất đai thời gian qua khiến không ít cán bộ quản lý ở cấp Trung ương và ở địa phương vướng vòng lao lý. Hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương… đã được tiến hành và chỉ rõ những sai phạm dẫn đến thất thoát hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn tỷ đồng.
Hệ lụy là một phần lớn giá trị đất đai bị rơi vào lợi ích nhóm, làm thất thoát nguồn thu ngân sách và gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội về chuyện thu hồi đất, đền bù. Không ít dự án sau khi thu hồi đất, người dân bị “đẩy” vào tình thế bấp bênh về sinh kế khi các yêu cầu về bảo đảm điều kiện tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mới… không được thực hiện theo đúng quy định.
Luật Đất đai quy định khung giá đất bám sát giá thị trường, nhưng thực tế luôn có khoảng cách rất lớn giữa giá đất của thị trường với giá đất của Nhà nước. Sự chênh lệnh về giá này đã tạo kẻ hở cho những kẻ thoái hóa, biến chất thực hiện tham nhũng và trục lợi đất đai. Khung giá đất cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc khiếu kiện đất đai gia tăng trong thời gian qua, do liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại các dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Nghị quyết 18-NQ/TW hướng đến bỏ khung giá đất là một bước đột phá rất lớn trong việc nhìn nhận thị trường bất động sản đúng với góc độ kinh tế thị trường.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhìn nhận, việc hướng tới bỏ khung giá đất là hoàn toàn hợp lý, giúp nâng cao tính thương mại hóa của quyền sử dụng đất. Đồng thời, hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, giúp thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh, không còn hiện tượng trục lợi trên đất đai. Đặc biệt, việc bỏ khung giá đất sẽ góp phần cởi trói cho giá đất tại các địa phương. Tạo điều kiện đền bù thỏa đáng cho người dân theo giá thị trường thay vì phải chịu thiệt thòi khi căn cứ vào khung giá đất.
HOÀNG LÊ