Vỉa hè và bùng binh - đều là những kết cấu giao thông cơ bản. Vỉa hè thông thoáng, người dân có chỗ đi bộ, tập thể dục. Vỉa hè góp phần làm cho bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại. Bùng binh hợp lý (phù hợp với mật độ phương tiện thấp) giúp cho xe cộ lưu thông an toàn, có trật tự. Việc điều tiết giao thông, kiểm soát tốc độ dễ dàng và giảm thiểu sự bát nháo dẫn đến ùn tắc…
Nhưng chuyện vỉa hè và bùng binh ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang có nhiều điều đáng bàn.
Trước hết là chuyện cái vỉa hè!
Kỳ họp thứ Tám của HĐND tỉnh đang diễn ra, trong phần báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu về tình hình kinh tế, xã hội, cái vỉa hè đã đi vào báo cáo như một dẫn chứng cho mệnh đề: “đầu tư công còn giàn trải, chưa chú trọng đến tính hiệu quả của các dự án, gây nhiều lãng phí”.
Cách đây mấy năm, vỉa hè tuyến đường Thùy Vân - Hạ Long - Quang Trung ở TP.Vũng Tàu được lát đá hoa cương, đã từng có nhiều ý kiến không đồng thuận. Khi cái vỉa hè được xây dựng xong, có người chưa quen chân trên mặt đá, mưa xuống còn trượt chân té ngã. Nhiều người cho rằng, làm cái vỉa hè quy mô, hoành tráng như vậy có phần lãng phí. Với những người từng trượt ngã trên vỉa hè, thì cái suy nghĩ đó có phần hằn học hơn.
Nhưng theo thời gian, người dân cũng quen với vỉa hè mới. Du khách đến Vũng Tàu trầm trồ vì hiếm nơi nào ở Việt Nam có tuyến đường tuyệt đẹp và bóng bẩy như vậy. Xem ra, cái vỉa hè hoành tráng cũng đáng.
Nỗ lực xây dựng, chỉnh trang các vỉa hè, nói đến cùng cũng là vì hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng. Vỉa hè đẹp, thì đối tượng thụ hưởng chính vẫn là người dân. Không thể nói làm cái gì đó thật đẹp, như một vỉa hè đá hoa cương, là gây lãng phí tiền của.
Vấn đề nằm ở chỗ, tính toán và cân đối đầu tư như thế nào, vào thời điểm nào là phù hợp. Đó cũng chính là băn khoăn của người dân, là trăn trở của đại biểu dân cử đã được tổng hợp, đưa vào Báo cáo của HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ Tám.
Làm sao đừng để các công trình cấp bách, cần thiết thì khởi động chậm chạp, thậm chí thiếu vốn, trong khi cái vỉa hè lại dễ dàng được chỉnh trang với hàng chục tỷ đồng. Có ý kiến từng nói “đầu năm thì kêu thiếu vốn, giữa năm lại đưa vỉa hè ra lát” là ý vậy! Thời gian qua, đúng là một số tuyến đường, phần vỉa hè chưa thực sự xuống cấp, có thể tu bổ chậm lại cũng không hề hấn gì. Nên ưu tiên giải quyết những phần việc khác, cấp bách hơn.
Như chuyện giải tỏa cái bùng binh chẳng hạn…
Trước đây, Vũng Tàu nổi tiếng với những bùng binh lớn, hoa cảnh, cây cảnh được chăm bẵm kỹ lưỡng. Nhưng rồi, lần lượt các bùng binh bị dỡ bỏ. Bao nhiêu bùng binh đẹp phải chỉnh đi, chỉnh lại để cân xứng và phù hợp với mức độ gia tăng của lưu lượng phượng tiện. Đến nay, phần lớn bùng binh có tính nút thắt đã được tháo bỏ. Sẽ có lãng phí ở đó. Bất cứ việc gì, xây dựng đẹp rồi đập bỏ cũng tiêu tốn tiền của.
Nhưng đáng tiếc là cái bùng binh gây trở ngại giao thông lớn nhất ở TP.Vũng Tàu - Bùng binh tượng đài Dầu khí - lại chưa được giải quyết. Cho nên điểm nút giao thông Nguyễn An Ninh - Thống Nhất - 2/9 cứ tan tầm lại kẹt. Cuối tuần, du khách đổ về, càng kẹt dữ.
So với việc giải tỏa một cái bùng binh quy mô như bùng binh Tượng đài Dầu khí, việc lát vỉa hè dễ dàng hơn nhiều. Vì vỉa hè là ít liên quan đến quyền lợi người dân, ít phải tính toán, cân nhắc phương án. Không phải là tất cả, nhưng phần nào đó cho thấy những bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công. Việc giải ngân vốn trong những năm qua chậm hầu hết đều liên quan đến những dự án khó (khó giải tỏa, khó trong đền bù giải phóng mặt bằng…). Nhưng càng khó càng phải ưu tiên, càng phải dồn công sức và nghĩ ra phương án rốt ráo. Ngâm lại cái khó, tìm chỗ dễ để giải ngân, thì cái trọng điểm sẽ ngưng trệ, sự giàn trải sẽ xảy ra.
Các dự án đầu tư công được phân cấp quản lý. Có dự án do tỉnh quản lý vốn, có dự án thuộc về huyện, thị, thành quản lý. Nhưng trong mắt người dân, họ ít quan tâm ai quản lý nguồn vốn. Họ chỉ cần biết đó là công trình vốn nhà nước. Và khi, trên một địa bàn, công trình cấp bách kéo dài; công trình không cấp bách lại hoàn thành chóng vánh, thì khó tránh khỏi sự so bì, băn khoăn.
HOÀNG NAM