Nâng giá trị nông sản

Thứ Tư, 13/07/2022, 19:56 [GMT+7]
In bài này
.

Dù không phải “tín đồ” của sầu riêng nhưng quả thực tôi đã bị chinh phục bởi vị của trái sầu riêng Mon Thong Thái Lan. Mềm, mịn, dẻo, ngọt và béo ngậy dù không phải là trái cây tươi mà được cấp đông cả tháng. Người chủ cửa hàng nói rằng đây là loại sầu riêng bán chạy nhất, về bao nhiêu bán hết bấy nhiêu dù giá đắt gấp 2-3 lần sầu riêng trong nước. Hay như sản phẩm súp sầu riêng của Thái Lan cũng được đóng gói đẹp mắt, khách hàng mua về chỉ cần bỏ vào lò vi sóng hâm nóng lại mà vẫn giữ nguyên mùi vị.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và HTX Thái Lan cho biết, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ mang lại thêm 120 tỷ baht (khoảng 3,5 tỷ USD) trong năm nay. Sầu riêng của Thái Lan chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 40% ở Trung Quốc, tiếp theo là sầu riêng của Chile 15% và Việt Nam 6%. Ngoài Trung Quốc, sầu riêng từ Thái Lan cũng được ưa chuộng ở các thị trường phát triển khác. Sầu riêng Thái Lan chiếm 5,56% thị phần ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), 0,12% ở Hàn Quốc, 0,24% ở Mỹ và 0,06% ở Nhật Bản vào năm ngoái.

Dĩ nhiên, có được kết quả trên chính là nhờ Thái Lan đầu tư rất bài bản từ vùng trồng an toàn, sạch đến chế biến sâu, marketting, chuỗi logistics… Đây cũng là những vấn đề mà nông sản Việt mãi loay hoay bao năm qua khiến cho nông sản giảm giá trị, tiêu thụ bấp bênh và thậm chí phải kêu gọi “giải cứu”.

Công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, chi phí logistics tăng cao và chế biến sâu chưa được đầu tư bài bản… Đây là rào cản, nút thắt lớn khiến cho nông sản dù có chất lượng cao nhưng vẫn khó tiếp cận với nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới. Hiện sản lượng rau quả Việt Nam đạt 31 triệu tấn nhưng tỷ lệ chế biến mới chỉ đạt khoảng 12-17%. Hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế dẫn đến tổn thất sau thu hoạch khá cao, từ 10-30%.

Từ chuyện trái sầu riêng, bài toán đặt ra cho nông sản Việt muốn nâng cao giá trị thì bắt buộc phải chế biến sâu. Đây cũng là hướng đi bền vững giúp các nhà máy chủ động sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trên thực tế hiện nay có nhiều loại trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải... đã xuất khẩu tươi sang các thị trường cao cấp, khó tính Nhật Bản, Australia, Mỹ, Hàn Quốc… Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước tiếp theo của việc gia tăng giá trị. Nâng tỷ trọng nông sản qua chế biến để xuất khẩu một mặt tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, mặt khác giải quyết được tình trạng được mùa mất giá diễn ra thường xuyên như hiện nay.

Rõ ràng trong quá trình này nông dân không thể tự làm mà cần có sự liên kết, hỗ trợ từ DN và Nhà nước. Nông dân liên kết sản xuất sạch, an toàn, đạt chuẩn, tạo ra nguồn cung ổn định từ vùng nguyên liệu tập trung. Nhà nước, DN đầu tư hạ tầng logistics, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến, tinh chế sâu hơn, có thương hiệu để xuất khẩu…

NGÔ GIA

;
.