.

Tăng sức hút cho đô thị biển

Cập nhật: 17:09, 17/07/2022 (GMT+7)

Hội Kiến trúc sư tỉnh vừa tổ chức Hội thảo “Quy hoạch và kiến trúc cảnh quan các đô thị ven biển tỉnh”. Dư luận đánh giá cao ý nghĩa của cuộc hội thảo này, mà trước hết là tính thiết thực của nó. Cuộc hội thảo chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia, kiến trúc sư đầu ngành đã đưa ra một cái nhìn đa chiều về tiềm năng, thực trạng quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị ven biển tỉnh BR-VT, một số vấn đề mà tỉnh quan tâm là định hướng phát triển đô thị biển; vấn đề về dân cư, môi trường, xung đột giữa các ngành, lĩnh vực… giúp tỉnh phát triển các đô thị bền vững trong tương lai.

Với hơn 300km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000km2, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ, kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế quan trọng của BR-VT. Với tiềm năng đó, BR-VT có nhiều lợi thế để phát triển chuỗi đô thị biển, đặc biệt đô thị phát triển du lịch sinh thái kết hợp cộng đồng.

Theo Hội Kiến trúc sư, BR-VT hiện có 10 đô thị biển, trong đó có 3 đô thị biển đã được công nhận gồm: TP.Vũng Tàu, Long Hải (huyện Long Điền) và Phước Hải (huyện Đất Đỏ). Tỉnh đang thực hiện các bước quy hoạch để phát triển thêm các đô thị biển như: Hồ Tràm, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); Lộc An (huyện Đất Đỏ) và toàn bộ huyện Côn Đảo thành đô thị biển đảo.

Đến Phước Hải, Long Hải, Hồ Cốc, Hồ Tràm… hôm nay, không khó để chúng ta bắt gặp những đô thị, khu phố nằm bên bờ biển, trong đó nổi bật những cụm biệt thự, khu resort được thiết kế đẹp với đầy đủ tiện nghi. Thế nhưng, để các đô thị ven biển phát triển xứng tầm, thời gian tới quy hoạch về không gian biển, cũng như phát triển các ngành kinh tế biển cần phải đồng bộ và hợp lý hơn với các giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của BR-VT.

Không phải ngẫu nhiên mà tại hội thảo, nhiều kiến trúc sư đề xuất trong định hướng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan các đô thị ven biển tỉnh cần khai thác hiệu quả cảnh quan núi. Ngoài 2 ngọn núi Lớn, núi Nhỏ ở TP. Vũng Tàu, BR-VT có nhiều ngọn núi mộc mạc và hoang sơ, nằm cạnh các bãi biển, tạo cho du khách ấn tượng đẹp “núi một bên và biển một bên”.

Núi Minh Đạm là một trong số đó. Đến với ngọn núi này, du khách không chỉ được tham quan Khu di tích lịch sử núi Minh Đạm, hiểu rõ hơn về cuộc sống sinh hoạt của các chiến sĩ cách mạng trong những năm kháng chiến,… mà còn cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên hài hòa giữa biển và núi . Những ngọn núi khác như núi Nứa, núi Thị Vải, Núi Dinh (TX. Phú Mỹ), núi Chân Tiên (huyện Long Điền), tuy không nằm sát biển, nhưng cũng đóng vai trò “vệ tinh” cho những đô thị biển bởi những nét hùng vĩ, thơ mộng của cảnh quan. Các chùa, tháp, miếu, giếng cổ ở trên núi mang nhiều giá trị lịch sử tôn giáo và tín ngưỡng từ lâu đã thu hút không ít khách du lịch đến hành hương, chiêm bái.

Khi đề xuất “cần khai thác hiệu quả cảnh quan núi” ắt hẳn các kiến trúc muốn nhấn mạnh rằng, núi và biển ở BR-VT là một, không thể tách rời. Sức hấp dẫn của đô thị biển sẽ giảm đáng kể nếu chỉ có sắc xanh của biển mà thiếu vắng khung cảnh hùng vĩ mà thơ mộng, những cung đường trekking hoang sơ của núi rừng. Với ý nghĩa đó, các hoạt động du lịch không được gây tổn hại cho các cảnh quan thiên nhiên. Các kiến trúc hiện đại nếu có phải đạt sự hòa hợp với cảnh quan núi. Các công trình dân sinh, du lịch, nghỉ dưỡng trên núi phải phát huy vẻ đẹp của địa hình, hạn chế tối đa tình trạng xẻ núi, phá đá, chặt cây, xây dựng tuỳ tiện…

Xu hướng phát triển kinh tế du lịch, nghỉ dưỡng cũng như việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối những không gian dọc tuyến bờ biển Vũng Tàu - Bình Châu đã và đang biến những nơi trên thành đô thị biển đích thực. Sự “lột xác” ngoạn mục của khu đô thị Hồ Cốc, Hồ Tràm, Phước Hải, Long Hải thời quan qua là những minh chứng. Vấn đề mà chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần lưu ý là có giải pháp ngăn chặn những “cơn sốt bất động sản” ở những nơi được coi là trung tâm đô thị biển, trong bối cảnh quỹ đất ven biển ngày càng khan hiếm, giá đất nền ven biển có xu hướng bị đẩy lên cao.

Có những chiến lược phát triển riêng cho từng đô thị biển, khai thác có hiệu quả cảnh quan núi và biển, di sản văn hóa - lịch sử ở những nơi đó cùng với sức hấp dẫn tự thân, các đô thị biển BR-VT không chỉ là nơi an cư, mà còn là hệ sinh thái nghỉ dưỡng hấp dẫn đối với đông đảo DN, người dân trong cả nước.

TRƯƠNG TÙNG

 

.
.
.