Không chủ quan với sốt xuất huyết
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến ngày 4/7, cả nước ghi nhận khoảng 92.000 ca sốt xuất huyết, tăng 15.000 ca so với thống kê 10 ngày trước đó. Trong đó, 36 trường hợp đã tử vong vì sốt xuất huyết. Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm đến ngày 6/7 ghi nhận 4.712 ca sốt xuất huyết (trong đó có 2 trường hợp tử vong), tăng 7,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Dịch sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Bộ Y tế dự báo thời gian tới số ca mắc tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đây là điều rất đáng lo ngại, bởi hiện nay đang là cao điểm mùa hè. Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng phát triển. Mặt khác, nhu cầu đi lại, du lịch, về thăm quê của người dân tăng cao, dễ làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 tại nước ta dù đã được khống chế nhưng nguy cơ bùng phát trở lại với những biến chủng mới còn rất cao. Nếu để dịch sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng sẽ có thể xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, khiến ngành y tế bị quá tải. Nguy cơ “đứt gãy” của hệ thống y tế là khó tránh khỏi. Khi đó, hậu quả sẽ rất nặng nề và khó lường.
Sốt xuất huyết là bệnh dịch đã có từ lâu, xuất hiện thường xuyên hằng năm theo mùa, trong khi vẫn chưa có vắc xin và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. “Muốn cắt đứt không để dịch bùng phát thì chúng ta cần phải diệt muỗi, người dân phải nằm mùng và đặc biệt là phải diệt lăng quăng. Không lăng quăng thì không có sốt xuất huyết!", Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý khi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này. Nhiều người vẫn còn thói quen ngủ không mắc mùng, để vật dụng chứa nước không sử dụng như lu, khạp, chai lọ, chậu hoa... làm môi trường sinh sản của vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn.
Để phòng, chống sốt xuất huyết, ngành y tế phối hợp chính quyền địa phương ở cơ sở đã tổ chức các đợt ra quân phun xịt hóa chất; vận động người dân triệt tiêu nơi sinh sản, trú ngụ của muỗi.
“Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Đây không phải là câu khẩu hiệu suông mà là một phương châm hành động dễ hiểu, dễ nhớ trong phòng, chống dịch bệnh này. Triệt tiêu được lăng quăng thì sốt xuất huyết sẽ bị đẩy lùi. Các chuyên gia y tế khẳng định vai trò của người dân trong phòng, chống sốt xuất huyết là rất quan trọng. Do đó, ngoài các chiến dịch do ngành y tế và chính quyền địa phương triển khai, mỗi gia đình, người dân cần nêu cao ý thức tự giác trong phòng, chống dịch. Song song đó, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt như mắc mùng khi ngủ, bôi kem chống muỗi, sử dụng nhang muỗi...
Dịch bệnh sốt xuất huyết có được đẩy lùi hay không, điều này phụ thuộc rất lớn vào thái độ và ý thức của mỗi người dân!
ĐỨC NGUYÊN