.

Xanh hóa các ngành kinh tế

Cập nhật: 19:18, 08/07/2022 (GMT+7)

Tăng trưởng xanh (TTX) là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, vừa bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và vừa góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. TTX sẽ phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Sau thời gian dài chống chọi với đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta đã từng bước được hồi phục, lấy lại đà tăng trưởng, cũng là thời điểm cần tiếp tục khởi động chương trình TTX. 6 tháng đầu năm 2022, nhiều chỉ tiêu kinh tế, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Bức tranh toàn cảnh về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng thêm nhiều gam màu sáng, là tín hiệu vui làm nức lòng mọi người.  

Phát biểu tại các cuộc họp thường kỳ Chính phủ gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh đến mục tiêu của TTX, coi TTX trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững. Các địa phương, các doanh nghiệp cần chú trọng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, coi đó là những chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, đến năm 2030 giảm ít nhất 15% và đến năm 2050 giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Mục tiêu của chiến lược TTX là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Tăng trưởng xanh là quá trình phát triển trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Với tầm quan trọng đó, trong những năm qua, nước ta đã và đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về TTX, bao gồm 3 nhiệm vụ trọng tâm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, thách thức của TTX ở nước ta là không hề nhỏ, vẫn có nguy cơ chỉ dừng ở mức “khẩu hiệu”, thiếu những chính sách, giải pháp và hành động thiết thực. TTX mặc dù được nhiều địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng, nhưng tầm quan trọng vẫn chưa thực sự được đề cao so với việc  thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phần lớn doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của TTX. Mặt khác, phần lớn công nghệ sản xuất của nước ta là công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn. Việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xanh thực sự gặp rất nhiều khó khăn và là một thách thức lâu dài. Hơn nữa, TTX đối với nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương vẫn còn là một khái niệm mới mẻ. Do đó, Nhà nước cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách ưu tiên để các địa phương, doanh nghiệp chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và hướng tới nền kinh tế xanh - xanh hóa sản xuất và tiêu dùng.

Thực tế hiện nay cho thấy, xu hướng sản xuất xanh và tiêu dùng xanh đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm cho đến người tiêu dùng. Số liệu thống kê từ Chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh cũng cho thấy, sức tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường tại các hệ thống siêu thị thường tăng 50-60% so với các thời điểm khác trong năm. Đây là động lực để các doanh nghiệp cho ra đời những sản phẩm bảo đảm các yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh nhằm tạo sức hút và sự cạnh tranh trên thị trường.

Xuất phát từ thực trạng nội tại của nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến TTX và phát triển bền vững đang là một yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, để xây dựng một nền kinh tế xanh thật sự, vừa có thể áp dụng triển khai hiệu quả ngay trong ngắn hạn, vừa có khả năng hoàn thiện để hỗ trợ phát triển trong dài hạn, mỗi địa phương, doanh nghiệp cần có những chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy, có định hướng, mục tiêu rõ ràng và cần phải xây dựng một lộ trình về kế hoạch ngân sách, nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ, kỹ thuật thích hợp.

HOÀNG LÊ

.
.
.