.

Khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc

Cập nhật: 20:06, 10/07/2022 (GMT+7)

Tràn ngập trên các mặt báo những ngày gần đây là thông tin nhiều bệnh viện trong cả nước thiếu thuốc và vật tư y tế, nhất là các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Theo ghi nhận, có đến 40 bệnh viện, sở y tế địa phương trong cả nước thiếu thuốc và vật tư y tế. Nguyên nhân do việc mua sắm, đấu thầu đang bị “tắc”. Trước tình trạng đó, nhiều bệnh viện - trong đó Bệnh viện Bà Rịa đã phải linh động sử dụng các loại thuốc thay thế để “chữa cháy”.

Tình trạng thiếu thuốc trong danh mục BHYT khiến người bệnh lao đao. Nhiều người đã phải tự chi số tiền lớn để mua thuốc bên ngoài vì bệnh viện không còn thuốc, giá cao ngất ngưởng nhưng chất lượng thuốc không biết có bảo đảm hay không.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh BHYT là vấn đề nghiêm trọng và chỉ đạo người đứng đầu BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế bảo đảm ngay việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh BHYT, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trên diện rộng, theo Bộ Y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương, đơn vị.

Sau “cơn địa chấn” mang tên Việt Á dẫn đến nhiều cán bộ y tế các cấp bị khởi tố, điều tra, hoạt động đấu thầu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gần như bị đóng băng. Thực tế triển khai hoạt động đấu thầu thuốc, vật tư y tế cũng cho thấy quy trình đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung hiện nay phức tạp (phải tuân thủ gần 20 bước, liên quan nhiều cơ quan chức năng, mỗi cơ quan chậm vài 3 ngày, thậm chí 1, 2 tuần) dẫn đến kết quả đấu thầu chậm. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý để mua sắm, đấu thầu các dịch vụ y tế lại chưa đầy đủ, chưa phù hợp, chưa bảo đảm an toàn, khiến những người được giao trách nhiệm tổ chức đấu thầu e ngại, luôn nơm nớp sợ sai, đúng như chia sẻ của  TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): “Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, yên tâm thực hiện, đâu là “lằn ranh đỏ” để người ta không thể vượt qua”.

Tổ chức đấu thầu tập trung thuốc trong lĩnh vực BHYT là chính sách quan trọng của Chính phủ nhằm tiết giảm chi phí của người bệnh, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Ý nghĩa tốt đẹp đó của hoạt động đấu thầu thuốc cần phải được nhân rộng, lan tỏa trong thời điểm hiện nay mà trước hết là khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; rà soát, chấn chỉnh những quy trình, quy định bất hợp lý dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm ở nhiều bệnh viện công bị đóng băng.

Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Không lý do gì để lo ngại, sợ sai không dám mua sắm nếu như những người được giao phụ trách việc mua sắm, đấu thầu có động cơ trong sáng, vô tư, minh bạch vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nếu như ai cũng sợ sai khi đấu thầu thì người bệnh biết trông cậy vào đâu? Bệnh nhân sẽ ra sao nếu các bệnh viện “hết thuốc”, các cơ sở y tế không không dám đấu thầu, mua sắm?

Ở thời điểm trước mắt, điều mà ngành y tế và các địa phương cần gấp rút triển khai, đó là chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm y tế… kịp thời phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Người mua BHYT và cả xã hội hy vọng, tình trạng “đứt nguồn cung” thuốc BHYT sẽ không còn tái diễn trong tương lai.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 
.
.
.