.

Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt

Cập nhật: 19:19, 30/06/2022 (GMT+7)

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay của nước ta. Nhiều doanh nghiệp, chủ thẻ ngân hàng đã và đang bắt nhịp theo xu hướng này và bước đầu đã thay đổi tư duy không sử dụng tiền mặt trong các giao dịch mua bán.

Từ khi Quyết định 2545/QĐ-TTg (năm 2016) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM có hiệu lực thi hành, đến nay, phương thức TTKDTM đã tạo ra những hiệu ứng tích cực và tiết giảm các thủ tục trong các giao dịch thanh toán. Theo số liệu thống kê của NHNN, hiện cả nước có hơn 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, 80.000 điểm QR code thanh toán… với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng.

Tại BR-VT, trong 6 tháng đầu năm 2022, NHNN Chi nhánh BR-VT tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và vận hành  hệ thống thanh toán điện tử bảo đảm nhanh chóng, chính xác, an toàn. TTKDTM qua các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ước đạt 38 triệu món với doanh số thanh toán 1.200 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Thanh toán điện tử liên ngân hàng tại NHNN chi nhánh tỉnh ước đạt 2.300 món với doanh số thanh toán 38.900 tỷ đồng. Ngoài ra, lượng người dùng ví điện tử và các hình thức thanh toán trực tuyến khác ngày một gia tăng.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập quốc tế. Đáng chú ý, hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động phục vụ các thanh toán bán lẻ, xử lý giao dịch đa kênh, đa phương tiện đang từng bước được hoàn thiện nhằm phục vụ nhu cầu chuyển tiền, giao dịch thanh toán bán lẻ, thanh toán các dịch vụ tiện ích trong đời sống của người dân.

Các phương thức TTKDTM không ngừng tăng mạnh, việc mở và sử dụng tài khoản cá nhân tiếp tục tăng lên. Hiện có khoảng 30 triệu lượt người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Cùng với đó, các nhà mạng viễn thông cũng tham gia tích cực vào quá trình TTKDTM thông qua nhiều hình thức. Trong đó, nổi bật là dịch vụ Mobile Money, cho phép người dân được gửi tiền vào nhà mạng cho dù không có tài khoản tại ngân hàng, hoặc có thể dùng tiền trong tài khoản điện thoại để gửi cho nhau, mua hàng hóa với giá trị nhỏ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy TTKDTM trong nền kinh tế nước ta hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện và chưa đồng bộ. Chính sách về TTKDTM chưa có đột phá đáng kể, chưa luật hóa các hoạt động TTKDTM. Nhiều dịch vụ mới ra đời, nhưng các quy định về TTKDTM vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của phương thức TTKDTM.

Đặc biệt, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự, nhất là các đối tượng chưa thành thạo trong việc sử dụng thương mại điện tử. Nguyên nhân chính là do thói quen tiêu dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Đáng chú ý là tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh, an toàn và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử nên việc triển khai TTKDTM gặp rất nhiều khó khăn.

Để khuyến khích các doanh nghiệp, các tài khoản ngân hàng cá nhân và người dân tích cực, chủ động thực hiện phương thức TTKDTM trong các giao dịch mua bán, đòi hỏi hệ thống NHNN, các tổ chức tín dụng cần khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển của các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới. Nâng cấp hạ tầng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, qua đó thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, hoạt động hiệu quả, liên tục, đáp ứng nhu cầu thanh toán nhanh chóng, an toàn, thuận tiện với chi phí hợp lý đối với người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động TTKDTM, lấy việc cung ứng dịch vụ trên thiết bị di động làm mục tiêu chính; kết hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ để kết nối với hệ thống thanh toán của ngành ngân hàng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hoạt động truyền thông, tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng phương thức TTKDTM.

 HOÀNG LÊ

 

.
.
.