.

"Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây"

Cập nhật: 18:45, 01/07/2022 (GMT+7)

Theo thông tin tại hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 do Bộ Chính trị tổ chức hôm 30/6, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Những con số trên cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng khẳng định tinh thần của Đảng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Điều đó thể hiện ở chỗ, nhiều cán bộ cấp cao đã bị xử lý, kỷ luật, thậm chí là khởi tố, bắt giam, xét xử, kể cả những người đã nghỉ hưu, chuyển công tác. Công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng đã được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân.

Trước sự quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, một số ý kiến lo ngại cho rằng việc quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước. Đây là quan điểm không đúng. Thực tế đã chứng minh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị. Không những vậy, kết quả của công tác này còn góp phần bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói rằng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người; và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.

Sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Đây là cơ sở, là “cánh tay nối dài” để Đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, vốn luôn được đề cao từ nhiều năm nay.

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là việc đầy khó khăn, hiểm nguy và là một cuộc chiến dài lâu - cuộc chiến “chống giặc nội xâm”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua cho thấy, tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Do vậy, phòng, chống tham nhũng trước hết là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người. Muốn làm tốt nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cần xây dựng cho được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Về mặt pháp lý, các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đã tương đối đầy đủ. Nhiều ý kiến cho rằng, cái cần nhất lúc này là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện. Song song với chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng cũng đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với phương châm “lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu”.

Để công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao hơn nữa, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương, xây dựng ý thức, đạo đức liêm chính cho cán bộ, đảng viên, cao hơn là văn hóa “tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực”, “trọng danh dự, liêm sỉ” như nghị quyết của Đảng đã yêu cầu và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở “danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Đồng thời, mạnh dạn đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.

NGUYỄN ĐỨC
 
.
.
.