Thông tin tại Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa VII cho thấy, tính đến ngày 30/6/2022, giá trị giải ngân vốn tỉnh quản lý gần 2.990 tỷ đồng, đạt 23,75% kế hoạch vốn năm 2022, thấp hơn cả về giá trị lẫn tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước (cả nước ước đạt gần 28%). Như vậy, con số này đặt ra cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng còn lại của năm 2022 là hết sức nặng nề.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhưng cơ bản nhất đó là vướng mắc về giải phóng mặt bằng và giá nguyên vật liệu tăng cao thời gian gần đây. Trong đó, các biến động từ bên ngoài đã tác động làm giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng đến 30% so với trước. Còn về giải phóng mặt bằng, đây là vấn đề không mới nhưng vẫn rất nan giải ở hầu hết các địa phương do khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, quỹ nhà tái định cư... Đơn cử như tại TP. Vũng Tàu, đến nay vẫn còn 41 dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng do vướng khâu đền bù, bố trí quỹ đất tái định cư...
Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế, chắc chắn đầu tư công sẽ phải tiếp tục đóng vai chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và là “cú hích” để hoàn thành tốt các mục tiêu chung. Do đó, việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được cho là nhiệm vụ cấp thiết. Đây cũng là lý do mà Thủ tướng Chính phủ đã phải thành lập 6 Tổ công tác để đi kiểm tra, đốc thúc việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ phân bổ, giải ngân vốn còn thấp.
Ở góc độ địa phương, xác định thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt thực thi nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể như làm việc với các chủ đầu tư về các dự án còn vướng mắc để có giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện. Riêng đối với tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp cho các dự án, công trình, mới đây, UBND tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp rà soát rà soát, nắm bắt tình hình, nhu cầu cụ thể để sớm có giải pháp tháo gỡ.
Tuy nhiên, đó là nhiệm vụ trước mắt. Về lâu dài, bên cạnh yêu cầu chung là quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả cũng rất cần tiếp cận thẳng vào nguyên nhân của những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, yêu cầu đặt ra cho mỗi huyện, thành phố, thị xã cũng như các sở ngành phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm chức năng nhiệm vụ, không chỉ phân bổ vốn mà đôn đốc, kiểm tra, giám sát tiến độ từng dự án.
Đặc biệt là phát huy vai trò người đứng đầu trong việc trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện và đạt mục tiêu đề ra.
NGÔ GIA