Tiếp sức cho công nghiệp nông thôn
Tỉnh BR-VT đang tiến hành công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh 2022. Theo dự kiến, Ban Giám khảo sẽ chọn ra 35 trong số 76 sản phẩm, thuộc 4 nhóm ngành nghề được bình chọn từ sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, để cấp giấy chứng nhận cấp tỉnh và đề cử tham gia cấp khu vực vào tháng 7/2022 tại tỉnh Tây Ninh.
Điểm qua những sản phẩm tham gia bình chọn cấp quốc gia của tỉnh năm nay, có thể nói số sản phẩm “dự thi” khá đa dạng, phong phú. Các cơ sở CNNT đã chú trọng đầu tư về công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.
Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nằm trong Chương trình Khuyến công quốc gia do Bộ Công thương chủ trì, được tổ chức thực hiện ở 4 cấp, từ cấp huyện, tỉnh, khu vực đến cấp quốc gia.
BR-VT là một trong những địa phương tham gia ngay từ đầu và có số lượng sản phẩm CNNT tiêu biểu được bình chọn ngày mỗi nhiều (năm 2015: 2 sản phẩm, năm 2017: 3 sản phẩm, năm 2019: 4 sản phẩm, năm 2021: 7 sản phẩm và bộ sản phẩm). Những sản phẩm CNNT tiêu biểu đã tạo dấu ấn riêng là khai thác được lợi thế về vùng nguyên liệu, đặc trưng riêng của tỉnh và tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hạt điều rang muối vỏ lụa, hạt điều mật ong, tiêu xanh muối, nước cốt nhàu, tinh dầu nhàu cao cấp, cá lạc khô tẩm gia vị, là những sản phẩm điển hình được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao.
Các “kỳ thi” đã tạo động lực, khuyến khích, động viên các đơn vị CNNT đầu tư, đổi mới thiết bị máy móc, xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ tại các hội chợ, triển lãm khu vực, vùng miền… Nhiều cơ sở CNNT đã có sự thay đổi ngoạn mục về chất lượng, mẫu mã… từ sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công.
Trong quá trình “dự thi”, các cơ sở CNNT đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Khuyến công tỉnh. Từ việc đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng lực quản lý, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm phát triển thương mại điện tử, đào tạo nguồn nhân lực… đến tìm kiếm, mở rộng thị trường.
“Sân chơi” bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu thiết thực và bổ ích là vậy, tiếc rằng, vẫn chưa có nhiều cơ sở CNNT tham gia. Một báo cáo của Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) về vấn đề này cho thấy, không ít DN, cơ sở sản xuất chưa hiểu rõ về chính sách khuyến công, các nội dung của hoạt động khuyến công cũng như mục tiêu, ý nghĩa của việc bình chọn nên không đăng ký tham gia. Mặt khác, nhiều DN, cơ sở CNNT tuy biết có “cuộc thi” nhưng vì có tâm lý mình là DN nhỏ, “chưa có tên tuổi” nên cũng đứng ngoài “cuộc chơi”.
Khách quan mà nói, số sản phẩm CNNT đã được công nhận vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mức độ phát triển công nghiệp của BR-VT, vẫn còn yếu từ khâu sản xuất tới kinh doanh. Tại các triển lãm, hội chợ, hội nghị kết nối giao thương, khả năng tự giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các cơ sở CNNT vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nhiều đối tác. Khi sự kiện kết thúc thì những kết nối dài hơn cũng “đứt gãy” không thực hiện được.
Dẫn những thực tế trên đây để thấy rằng, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu vẫn còn nhiều tiềm năng và “dư địa” để phát triển. Vấn đề đặt ra là công tác truyền thông các chủ trương, chính sách về khuyến công phải được tăng cường hơn nữa, qua đó khuyến khích các DN chủ động tham gia, thụ hưởng những chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất; Các chính sách hỗ trợ phải đủ mạnh và mang tính dài hơi tạo động lực để cơ sở sản xuất CNNT mở rộng quy mô, cải tiến công nghệ. Cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để các DN, cơ sở CNNT tham gia nhiều hơn các kỳ hội nghị, hội chợ, triển lãm vùng, khu vực… để “cọ xát” với thực tiễn, rèn luyện kỹ năng giới thiệu, quảng bá sản phẩm và xúc tiến, mở rộng thị trường.
Sử dụng thiết thực, hiệu quả nguồn vốn khuyến công, linh hoạt, đa dạng các giải pháp xúc tiến sản xuất và quảng bá sản phẩm là cách khuyến khích các cơ sở CNNT hào hứng tham gia các “cuộc thi” bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, từ đó đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
NGUYỄN HƯNG NHƠN