Cuối tuần qua, chỉ một đoạn đường ngắn chưa đầy 1km từ vòng xoay Paradise về Trung tâm đô thị Chí Linh, xe ô tô nhích từng chút một. Bình thường tầm 3-4 phút nhưng trưa Chủ nhật đó tôi đã mất gần 20 phút mới qua khỏi đoạn đường này bởi lượng xe du lịch khá đông trở về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh sau kỳ nghỉ cuối tuần. Một hiện tượng thật hiếm hoi, gần như chưa từng xảy ra ở khu vực này.
Không chỉ kẹt xe, các quán ăn, cà phê cuối tuần cũng luôn kín chỗ. Thật khó để đặt bàn những quán ăn nổi tiếng khi nhà có khách vào dịp cuối tuần nếu không gọi sớm trước 1 ngày.
Những hình ảnh này cho thấy, ngành du lịch BR-VT đã không chỉ hồi phục mà sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thông tin từ Sở Du lịch, tính đến hết tháng 5/2022, BR-VT đón hơn 5,6 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Riêng tổng lượt khách lưu trú tại các khách sạn, resort là hơn 1,4 triệu lượt, tăng 15,98% so với cùng kỳ. Khách quốc tế cũng đang dần trở lại với tỷ lệ tăng 14,4% so với cùng kỳ, tương đương 86.764 lượt khách lưu trú. Đến thời điểm này, các cơ sở lưu trú đã có khách đặt phòng từ 65-95% vào dịp cuối tuần.
Trên cả nước, số liệu thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng khoảng 50-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Thái Lan là những nơi tìm kiếm điểm đến tại Việt Nam nhiều nhất. Đến cuối tháng 4/2022, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không tới Việt Nam đã chạm mốc 1.114% và tiếp tục tăng cao trong tháng 5, thời điểm cao nhất tăng tới 2.000% so với cùng kỳ năm 2021.
Những con số ấn tượng là tín hiệu tích cực, cho thấy thị trường du lịch đang nóng lên mỗi ngày sau một thời gian dài “đóng băng” do dịch COVID-19. Có được điều này ngoài việc kiểm soát tốt dịch bệnh, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, chính sách ứng phó linh hoạt của ngành du lịch cũng chính là nhờ thời gian qua các DN chủ động chăm chút dịch vụ, làm mới sản phẩm và kích cầu thu hút khách. Trong đó, điển hình có thể kể đến việc làm mới các hoạt động của mùa du lịch hè, góp phần tăng trải nghiệm cho du khách hay tạo thêm điểm vui chơi, giải trí…
Hiện đang vào cao điểm hè, đây cũng được xem là “thời điểm vàng” - cơ hội để ngành du lịch tăng tốc và bứt phá. Tuy nhiên để tốc độ tăng trưởng du lịch thật sự bền vững thì rất còn nhiều việc phải làm. Đó là không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu…
Bên cạnh đó, cũng rất cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của ngành chức năng, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngành liên quan và cả cộng đồng trong việc đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ, cũng như có những kênh kết nối trực tiếp để xử lý vấn đề phát sinh. Làm thế nào để mỗi điểm đến không chỉ đẹp, an toàn, ấn tượng, thân thiện mà còn khó quên đối với du khách.
NGÔ GIA