Kéo điện lưới ra Côn Đảo không phải là dự án ở mức độ “bất khả thi” hoặc quá khó để thực hiện trong điều kiện công nghệ, trình độ thi công công trình vượt biển phát triển như hiện nay.
Những tiền lệ như dự án kéo điện ra Cát Bà (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh) hay Phú Quốc (Kiên Giang)… đã cho thấy tầm nhìn đúng đắn và có tính chiến lược ở các địa phương này khi đưa điện lưới quốc gia thắp sáng những hòn đảo có vị trí tiền tiêu của đất nước…
Các dự án kể trên đều là những dự án tiêu tốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng (tính thời giá của hàng chục năm trước). Thậm chí có dự án, ngân sách khó khăn, chính quyền địa phương đã phải tổ chức quyên góp ngày lương của cán bộ, công chức. Chi phí tốn kém, vất vả, khó khăn, nhưng đổi lại, hiệu quả kinh tế - xã hội là đậm nét. Điện lưới quốc gia thúc đẩy kinh tế đi lên. Điện đưa du khách ra đảo nhiều hơn. Điện giúp đời sống người dân trên chính các hòn đảo này văn minh hơn, giàu có hơn.
Và ở đó, người dân bây giờ không còn canh cánh nỗi lo thiếu điện.
Ở Phú Quốc, sau gần 10 năm hoàn thành tuyến cáp ngầm truyền tải điện 110kv đầu tiên, hòn đảo này lại đang chuẩn bị đón thêm dòng điện 220kv bằng đường điện vượt biển trên không, với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng… Nghĩa là chỉ trong 10 năm, Phú Quốc đã có 2 đường điện vượt biển.
Câu chuyện cấp điện lưới quốc gia cho Côn Đảo, không khác mấy so với Phú Quốc, Cô Tô, Cát Bà. Nếu có khác, chỉ khác ở chỗ kéo điện ra Côn Đảo xa hơn vài chục km và việc triển khai chậm hơn các địa phương khác khoảng … chục năm. 10 năm trước, các dự án điện vượt biển nói trên đã thực hiện được. Hiệu quả kinh tế - xã hội đã được kiểm chứng. Không lẽ sau 10 năm, câu chuyện điện cho Côn Đảo lại trở nên khó khăn.
Trong những năm qua, Côn Đảo phát triển với tốc độ nhanh chóng. Lượng du khách ra Côn Đảo nhiều năm liền vượt xa dự đoán, gây sức ép rất lớn về hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng điện. Với sự quan tâm đặc biệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã rất tập trung thu hút đầu tư về điện cho huyện đảo. Nhưng muốn nhà đầu tư bỏ vốn, đòi hỏi tiềm năng về lợi nhuận. Trong khi những dự án điện có thể triển khai ở Côn Đảo thường có chi phí cao, tiêu tốn quỹ đất, khả năng sinh lợi thấp nên thu hút đầu tư bế tắc.
Để bảo đảm cho Côn Đảo phát triển bền vững, xứng đáng với quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt … thì dự án kéo điện 110kv từ Kiên Giang ra Côn Đảo là niềm mong chờ của người dân Côn Đảo, của Bà Rịa – Vũng Tàu và cũng là của nhân dân cả nước. Chỉ có điện lưới, Côn Đảo mới có cơ hội cất cánh. Đầu tư một dự án điện hơn 4.900 tỷ đồng ra Côn Đảo không phải là ít. Nhưng Côn Đảo có những giá trị mà mọi sự so sánh và đem ra bàn cân tính toán đều trở nên khập khiễng.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Minh - người gắn bó với giai đoạn BR-VT tập trung xây dựng hạ tầng, tạo đà phát triển kinh tế, tâm đắc: “Đầu tư cho kinh tế nên đầu tư vào chỗ sinh lợi cao. Vì một đồng vốn sinh lời cao sẽ bằng nhiều đồng vốn ném vào những khu vực không thể sinh lợi. Ngược lại, đầu tư cho xã hội, cho dân sinh, thì nên chọn những địa bàn xa xôi, khó khăn nhất để đầu tư”.
Dự án điện lưới cho Côn Đảo không phải là dự án đơn thuần về kinh tế. Ý nghĩa chiến lược về phát triển đời sống; về việc bảo vệ và tôn tạo giá trị của di tích lịch sử; phát huy giá trị danh lam thắng cảnh; bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh… mới là điểm mấu chốt.
Xây dựng đường điện vượt biển ra Côn Đảo, có thể nói, bây giờ mới bàn, đã là câu chuyện quá muộn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc tại BR-VT trên cương vị Thủ tướng Chính phủ (tháng 3/2021) nhấn mạnh: “Côn Đảo là di sản, là địa chỉ đỏ của nhân dân Việt Nam. Dù có tốn bao nhiêu tiền cũng phải đầu tư bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cơ bản. 4.800 hay 4.900 tỷ đồng là lớn, không phải nhỏ. Kéo cáp 100km vượt biển là dài, nhưng so với lịch sử lại quá nhỏ bé. Tập trung cấp điện ổn định cho Côn Đảo là trách nhiệm của chúng ta hôm nay”.
Đó là tầm nhìn cần có cho Côn Đảo. Vì Côn Đảo là duy nhất, là đặc biệt.
HOÀNG NAM