Vượt mốc 15.000 DN, tháng 4/2022 ghi nhận đạt kỷ lục về số DN đăng ký thành lập mới. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 49.600 DN thành lập mới, cao nhất tính theo giai đoạn này từ trước đến nay. Tổng vốn của các DN mới thành lập đạt trên 635.000 tỷ đồng.
Kinh doanh bất động sản, y tế, vận tải kho bãi, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống là những ngành có lượng DN mới tăng mạnh nhất so với cùng kỳ.
Những con số thống kê trên cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của các DN sau thời gian chịu tác động tiêu cực của COVID-19. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, khả năng thích ứng của cộng đồng DN tốt hơn, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, cơ hội kinh doanh gia tăng nhờ các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ… được xem là những nguyên nhân tạo đà cho DN tự tin gia nhập thị trường.
Với việc khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, DN, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, đã tạo động lực cho các DN cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nhóm giải pháp được cộng đồng DN đánh giá cao, xem như là một “liều thuốc” hữu hiệu giúp DN nhanh chóng phục hồi. Như một chiếc lò xo sau những tháng ngày kìm nén, các DN đã sẵn sàng bung lên để phát triển.
Tuy nhiên, nhận định của các chuyên gia cho thấy, năm 2022 xác định khó khăn vẫn còn nhiều bởi đại dịch COVID-19. Trong đó, xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết, việc Trung Quốc thắt chặt các hoạt động sản xuất, thương mại đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Chi phí sản xuất đầu vào như nguyên, nhiên liệu tăng cao, nguồn lao động bị thiếu hụt…
Do đó, các DN, nhất là các DN thành lập mới rất cần sự hỗ trợ, tạo động lực để phát triển, thích ứng với thị trường từ Chính phủ, các bộ ngành trung ương và địa phương.
Đó là các chính sách hỗ trợ DN phải triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân và DN được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật. Đồng thời, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với DN, HTX, hộ kinh doanh; gia hạn nộp thuế; thực hiện các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch cho các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.
Về phía các địa phương cần tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Ngoài việc trông chờ vào các chính sách hỗ trợ, bản thân các DN cũng cần chủ động nâng cao năng lực thích nghi với điều kiện thực tế; có các giải pháp quản trị rủi ro tốt hơn, nhất là về chuỗi cung ứng, về nguyên liệu đầu vào, nguồn nhân lực... linh hoạt nắm bắt được thời cơ, cũng như dự báo diễn biến cung - cầu của thị trường để có hướng phát triển phù hợp. Đây sẽ là tiền đề giúp các DN phục hồi, bứt phá mạnh mẽ trong năm nay cũng như giai đoạn tiếp theo.
LAM GIANG