Để thắp sáng kinh tế đêm

Thứ Ba, 03/05/2022, 19:04 [GMT+7]
In bài này
.

Dịp nghỉ lễ vừa qua, gia đình tôi được đón 4 gia đình bạn thân từ Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội ghé chơi. Phải đến hơn 2 năm mới gặp mặt kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nên cả nhóm bàn nhau sẽ “overnight”, nghĩa là đi chơi xuyên đêm trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ.

Sau khi dẫn bạn tham quan danh lam thắng cảnh, chúng tôi đi ăn hải sản. 23 giờ kết thúc ở nhà hàng hải sản, một ngày đến thời điểm này gần như hoàn hảo cho đến khi chúng tôi chở nhau đi tìm cà phê ven biển. Nhưng dạo một vòng quanh biển, hầu hết quán cà phê đều từ chối nhận khách vì chuẩn bị đóng cửa. Các dịch vụ vui chơi, giải trí khác không có. Chúng tôi đành chia tay nhau để bạn về khách sạn ngủ.

Ngày thứ hai, lịch trình cũng chỉ ăn sáng, cà phê, tắm biển và ăn hải sản. Nhóm bạn kêu, thôi vẫn còn 2 ngày nghỉ nữa, nhưng ở lại Vũng Tàu cũng không biết đi đâu. Thế là bạn trả phòng sớm so với kế hoạch ban đầu, để lên TP. Hồ Chí Minh tận hưởng nốt 2 ngày còn lại của kỳ nghỉ và có chỗ để “chi hầu bao”.

Dù sở hữu bờ biển dài, đẹp và thơ mộng, nhưng các hoạt động khi đêm xuống của du khách tại TP. Vũng Tàu chỉ dừng lại ở dạo chơi, ăn hải sản, uống cà phê, hát karaoke và sau đó là về ngủ. Lâu nay người dân TP. Vũng Tàu cũng như du khách có rất ít lựa chọn khi tìm kiếm một điểm dịch vụ còn sáng đèn, phục vụ lúc nửa đêm về sáng. Sản phẩm, dịch vụ về đêm còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách. Khách đến TP. Vũng Tàu gần như không có cơ hội được "mở hầu bao” để vui chơi bất tận. Trong khi đó, đây là địa phương có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm.

Cách đây gần 2 năm, với Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Chính phủ xác định, trước mắt phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hoá, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch, diễn ra từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau.

Đối với TP. Vũng Tàu, UBND tỉnh đã lập quy hoạch chi tiết 1/500 của trục đường Thùy Vân - Bãi Sau. Quy hoạch này phù hợp với quy hoạch chung Vũng Tàu đến năm 2035 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo quy hoạch chi tiết này, Vũng Tàu sẽ có khu dịch vụ du lịch phục vụ du khách và người dân vào ban đêm cũng như phố đi bộ. Các không gian vui chơi, giải trí, ẩm thực, phố đi bộ phục vụ du lịch đêm được tập trung về đây theo từng phân khu phù hợp như: vũ trường, quán bar, karaoke gây tiếng ồn sẽ bố trí phía biển để tách khỏi khu dân cư và các cơ sở lưu trú; giải tỏa các công trình che chắn biển để mở rộng tầm nhìn ra biển, giữ lại công trình kiến trúc phù hợp; làm quảng trường, phố đi bộ, bãi đậu xe ngầm… Ở Bãi Trước, ngoài đường sách, Vũng Tàu cũng quy hoạch phố đi bộ ban đêm gồm 2 đường Trưng Trắc - Trưng Nhị kết nối khu ăn đêm Đồ Chiểu thẳng ra tam giác Bãi Trước.

Như vậy, đây có thể xem là cơ sở để thúc đẩy kinh tế đêm phát triển, tăng nguồn thu cho Vũng Tàu và giúp cho du khách cũng như người dân có thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Đây cũng sẽ là đòn bẩy không chỉ giúp ngành du lịch sớm phục hồi, mà còn thúc đẩy việc hình thành nền kinh tế ban đêm hiện đang còn bỏ ngỏ. Tuy sẽ còn nhiều việc phải làm, thận trọng và có cơ chế chính sách rõ ràng, cũng như có cái nhìn cởi mở về kinh tế ban đêm. Đồng thời có chính sách thu hút DN sẵn sàng đầu tư, phát triển nhiều loại hình dịch vụ ban đêm, tạo động lực tăng trưởng mới cho ngành du lịch, không chỉ riêng TP. Vũng Tàu.

NGÔ GIA

;
.