"Thanh toán không chạm" lên ngôi
Cuối tuần, tôi về thăm và cùng mẹ đi chợ gần nhà. Tôi đã khá bất ngờ với cách giao dịch mới của mẹ tôi - một bà lão gần 80 tuổi - và các bà cũng ở tuổi "xưa nay hiếm" ngồi bán mớ rau, con cá nhỏ lẻ ở chợ. Thay vì trả tiền mặt là dăm, mươi, trăm ngàn như tôi đã từng biết, mẹ tôi được các bà nhắc nhẹ: Vẫn số tài khoản cũ nhá! Còn mẹ tôi thuần thục thao tác để chuyển khoản trên điện thoại thông minh.
Ồ hóa ra, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, mẹ tôi đã thành thạo cách thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán hàng ngày, kể cả đi ăn sáng hay mua quà vặt cho lũ cháu ở các tiệm tạp hóa gần nhà!
Mẹ tôi nói, hồi đầu mùa dịch, do sợ tiền mặt là vật trung gian lây truyền COVID-19, nên mẹ ít đi chợ mà hay gọi điện đặt hàng để cậu em tôi thanh toán qua smart banking. Do bất tiện vì phải lệ thuộc cậu con trai thường xuyên vắng, nhà nên mẹ tôi quyết định đăng ký dịch vụ internet banking và tập tành sử dụng. Thật là “nhất cử lưỡng tiện”, vừa an toàn trong phòng dịch, lại văn minh trong giao dịch. Mẹ tôi còn chìa điện thoại ra khoe các ví điện tử mà bà đang sử dụng, nói về cái lợi khi được hoàn tiền, tích điểm khi dùng ví trong thanh khoản.
Có lẽ, cách đây chỉ vài năm, nếu lỡ đi chợ mà quên ví, các bà nội trợ chỉ còn cách vay tạm người quen hoặc lộn ngược trở về nhà để lấy tiền. Vậy nhưng, trong vòng vài năm trở lại đây, thói quen không dùng tiền mặt đã được hình thành.
Để hạn chế tiếp xúc, hạn chế tối đa nguồn lây dịch COVID-19 từ tiền mặt, các tiểu thương buôn bán ở chợ đã cung cấp số tài khoản của mình cho khách hàng để thanh toán qua smart banking. Để thuận tiện cho khách hàng, có tiểu thương còn chịu khó in số tài khoản ra giấy và dán ở góc sạp, nơi dễ thấy nhất.
Suốt 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã vô tình đẩy mạnh kênh thanh toán không dùng tiền mặt lên gấp nhiều lần so với trước. Tuy nhiên, khi đi chợ, chủ yếu các bà nội trợ sử dụng internet banking là chính, chưa sử dụng ví điện tử do chưa có sự kết nối dịch vụ này đến các tiểu thương ở chợ.
Trên thực tế, thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai trong nhiều năm qua, nhưng tốc độ còn chậm. Cuối năm ngoái, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình này.
Đề án đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh internet đạt 35-40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Tuy nhiên, Đề án có lẽ sẽ sớm chạm đích hơn dự kiến, khi thói quen không dùng tiền mặt đã được hình thành và đang lan rộng, kể cả ở khu vực nông thôn sau thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
Tại BR-VT, “thanh toán không chạm” lần đầu tiên đã “dịch chuyển” từ siêu thị, các cửa hàng tiện lợi đến chợ truyền thống tại TP.Vũng Tàu với việc thí điểm “Chợ 4.0 Thắng Nhất”. Được sự phối hợp của Viettel BR-VT, các tiểu thương tại đây đã cài đặt ứng dụng Viettel money để thực hiện giao dịch với khách hàng. Người mua chỉ cần quét mã QR nếu có điện thoại thông minh, hoặc soạn theo cú pháp *998# để chuyển tiền di động (mobile money) nếu sử dụng điện thoại phổ thông, người bán thì nhận được ngay chỉ trong một vài giây. Dự kiến, mô hình chợ 4.0 sẽ còn được nhân rộng sau thời gian thí điểm tại chợ Thắng Nhất.
“Thanh toán không chạm”, “thanh toán không tiếp xúc” không chỉ văn minh, mà người tiêu dùng còn cảm nhận được sự an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
HẠ VY