.

Không sa đà vào thế giới ảo

Cập nhật: 15:47, 03/04/2022 (GMT+7)

Mấy ngày qua, chuyện “sống ảo” trên mạng xã hội (MXH) lại được dư luận “hâm nóng” sau sự việc một nữ YouTuber ở TP. Hồ Chí Minh bị cơ quan công an bắt giữ về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. Việc một số người livestream, quay phim đăng trên nền tảng YouTuber về hoạt động liên quan đến ông Nguyễn Minh Phúc mà nhiều người hay gọi với cụm từ “Thầy chùa ăn thịt chó ở Củ Chi” cũng được dư luận dẫn chứng, coi đó là điển hình cho lối “sống ảo” trên MXH. Mới đây, cơ quan công an đã mời 5 YouTuber lên làm việc và yêu cầu gỡ bỏ tất cả các video clip này khỏi các trang YouTube.

“Sống ảo” trên mạng - theo nhiều chuyên gia về MXH, là lối sống, cách sống không giống với hoàn cảnh thực ngoài đời. Thoạt đầu là những màn PR bản thân, khoe nhà, xe, quần áo, nữ trang… với mục đích để người khác thích thú, xuýt xoa, tặng cho vài nút like và share. Theo thời gian, người sống ảo bắt đầu đưa lên MXH những điều không thật, không phân biệt được mối liên hệ giữa con người trong đời thật và hình ảnh bản thân tự vẽ ra. Cứ thế, lối “sống ảo” càng lan mạnh, lên ngôi, dần hình thành sự dối trá, giả tạo, háo danh, thích “nổ”, biến bản thân thành người hai mặt. Và vì cứ sống theo lối “sống ảo” mà một số người ảo tưởng về sức mạnh bản thân, không kiểm soát được hành vi trong đời sống thực, nguy hại hơn nữa là đánh mất nhân cách, vi phạm pháp luật.

Những YouTuber mà dư luận đề cập không phải là hiện tượng cá biệt. Trên các MXH, có rất nhiều blogger, streamer, vlogger sử dụng các nền tảng khác nhau để phát tán những thông tin sai lệch, bịa đặt lên MXH để thu hút người theo dõi nhằm trục lợi cá nhân.

Bịa đặt, loan truyền thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa đạo đức của dân tộc; Tấn công, chửi bới, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức bất chấp mọi quy tắc xã hội, pháp luật; Châm lửa đốt trường, tự thiêu, nhảy sông, sự xuất hiện của những “thánh chửi”, “thánh chém”… là hệ quả của những trào lưu “sống ảo” trên MXH.

Thời gian qua - nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, căng thẳng, công an BR-VT đã điều tra, làm rõ nhiều vụ việc liên quan tới hành vi đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật trên MXH. Những đối tượng này đã phản ánh không đúng sự thật, thậm chí xuyên tạc, đả kích công tác phòng chống dịch, gây hoang mang dư luận. Thông tin sai lệch do những đối tượng “sống ảo” đưa lên MXH đã nhận được chia sẻ, bình luận của nhiều người khác khiến công chúng hiểu sai bản chất vụ việc, bình luận chửi bới, xúc phạm lực lượng chức năng. Chỉ đến khi được cơ quan chức năng mời làm việc, phân tích đúng sai, những đối tượng “sống ảo” mới thừa nhận thông tin mình đưa ra là không đúng sự thật, “cốt chỉ để câu view”, thừa nhận hành vi vi phạm, xóa bỏ các bài viết đã đăng tải và cam kết không tái phạm.

Không ai vô can trên MXH. Quy ước mặc định này đòi hỏi người sử dụng MXH phải thận trọng, tỉnh táo, nhận thức được trách nhiệm của cá nhân khi đưa thông tin lên MXH. Trách nhiệm ở đây là nghiêm túc tuân thủ quy định của luật pháp, đặc biệt là các Luật An ninh mạng và Nghị định 72 của Chính phủ về xử lý vi phạm trên môi trường mạng. Không đăng tải thông tin sai trái, bịa đặt, nhất là thông tin gây hại cho người khác, vi phạm quyền nhân thân, uy tín của tổ chức, cá nhân. Những thông tin dự định đưa lên mạng phải chân thật, khách quan. Nên hạn chế việc khoe khoang trên trang cá nhân. Đã có không ít chủ tài khoản Facebook, Zalo… trở thành nạn nhân của kẻ xấu sau những màn khoe cuộc sống đẹp đẽ, giàu sang.

Để không bị sa đà vào thế giới ảo, người dùng MXH cần mở lòng nhiều hơn với cuộc đời thực, tiếp nhận những giá trị trong đời thực mà lâu nay đã bị thế giới ảo che khuất. Phải biết dừng lại trước lằn ranh đỏ đạo đức và luật pháp. “Like” và “share” có sức cám dỗ rất lớn và thường khiến người ta “sống ảo” nhiều hơn, đến mức không rứt ra được, cho đến một ngày nhận ra sống ảo dẫn đến nhiều hệ luỵ khó lường thì đã muộn.

TRƯƠNG TÙNG

.
.
.