Làm ruộng bây giờ cũng phải khác!
Bạn tôi, quê ở miền Trung, đã từng khiến bố, mẹ “thất vọng” đến mức không thèm nhìn mặt khi bạn quyết về quê “bám ruộng” làm nông dân sau 4 năm được ăn học ở một trường đại học danh tiếng tại Thủ đô. Dù có giải thích cạn lời thì bố mẹ bạn cũng khó lọt tai khi mà quan điểm của các cụ vẫn luôn là: Chỉ những người con nào kém cỏi, học hành không được thì mới cho ở nhà làm ruộng, lẽo đẽo kéo cày theo trâu.
Bạn nói, sự lựa chọn ấy được ấp ủ từ rất lâu và bùng cháy mạnh mẽ khi bạn gặp được giáo viên hướng dẫn làm luận án tốt nghiệp là một người Nhật Bản. Người thầy ấy khi biết bạn lớn lên ở vùng quê chiêm trũng đã chia sẻ rất nhiều về lợi thế của nông nghiệp Việt Nam, về những nông dân có tri thức sẽ có thể tạo ra siêu lợi nhuận trên đồng ruộng của cha ông để lại… và đặc biệt là về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Những năm 2000 ấy, khái niệm áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn khá mới lạ, nhưng bạn vẫn rất hứng thú và muốn được tìm hiểu, áp dụng cho vùng quê của mình.
Sau nhiều năm, với không ít lần thất bại, hiện bạn tôi đã là ông chủ của một nông trại có quy mô sản xuất lớn, áp dụng công nghệ hiện đại với những vườn, ao, chuồng trại tạo ra sản phẩm có giá trị cao để xuất khẩu. Và bố mẹ của bạn đã rất tự hào khi con trai mình được vinh danh, khen thưởng vì có thành tích là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Bạn đã thành công khi lựa chọn trở thành một nông dân có tri thức, chuyên nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị cao.
Trên thực tế, ở thời điểm này, không ít những nông dân thành công như bạn tôi với nghề nông nghiệp ở khắp mọi miền tổ quốc, dần xóa bỏ quan niệm “không biết làm gì thì về làm ruộng” đã từng ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều thế hệ ở miền quê.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng làm dấy lên tranh luận trái chiều khi đề cập rằng: “Chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân”. Thậm chí, “nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép”. Nhất thiết phải coi nông nghiệp là một nghề tạo ra giá trị cao, nông dân là người lao động của nghề đó, có thu nhập tương xứng và được bình đẳng với mọi loại nghề nghiệp khác.
Và chắc chắn rằng, khi nông nghiệp là một nghề, lao động của nghề đó là người nông dân được đào tạo bài bản sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng canh tác theo cách truyền thống, chỉ đem lại giá trị thấp. Chính vì vậy mà việc trí thức hóa nông dân đã thực sự trở thành một nhu cầu bức thiết. Chỉ có trang bị kiến thức cho nông dân một cách bài bản, thì chúng ta mới hy vọng có được một nền nông nghiệp lành mạnh, có giá trị kinh tế cao, và con đường để nông sản đi vào các thị trường khó tính trên thế giới mới hanh thông, thuận lợi.
Mong mỏi của thủ lĩnh bà con nông dân về một “nghề nông nghiệp” chính quy, bài bản, đem lại giá trị cao như Nhật Bản hay Israel... có lẽ sẽ sớm thành hiện thực với những xúc tiến đồng bộ về cơ chế, chính sách. Nhưng quan trọng hơn là nhận thức của chính người nông dân, chịu học hỏi để trở thành lao động chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên đồng ruộng, nông trại của mình và sản phẩm làm ra bảo đảm an toàn, chất lượng cao cho người tiêu dùng ở cả thị trường trong, ngoài nước.
Lâu nay, cũng như các địa phương khác trên cả nước, tại BR-VT, việc dạy nghề cho lao động nông thôn được xúc tiến nhưng vẫn chưa thực sự làm chuyển đổi mạnh mẽ ý thức của người nông dân. Đa phần nghề mà nông dân chọn vẫn là phi nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa phải đại trà, nhưng từng bước đã dần chiếm tỷ trọng và là được xác định là một trong những mũi nhọn được hướng đến trong phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Bởi, chúng ta hiểu rằng, nông nghiệp có phát triển thì 60% người dân đang sống ở nông thôn, bám ruộng để mưu sinh sẽ không còn cơ cực nữa.
Muốn được vậy, trí thức hóa nông dân là việc đương nhiên phải làm!
TRUNG HIẾU