Để đóng thuế không phải là gánh nặng
Thời gian qua, đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) luôn là vấn đề người dân hết sức quan tâm. Đặc biệt trong bối cảnh vật giá leo thang, dịch bệnh COVID-19 phức tạp, thu nhập giảm sút và người dân đang phải thắt chặt chi tiêu như hiện nay, thì câu chuyện về cách đóng thuế TNCN thêm một lần nữa “nóng” trên các trang báo, diễn đàn mạng xã hội.
Nhiều người cho hay, họ không thể nào “xoay xở” với 4,4 triệu đồng (mức giảm trừ gia cảnh) để chăm lo cho một đứa con, bao gồm tiền đóng học phí, sữa và các khoản khác. Nếu người phụ thuộc là bố mẹ đã già, không có thu nhập thì chi phí còn tăng cao khi phải thường xuyên khám, chữa bệnh.
Luật Thuế TNCN đầu tiên có hiệu lực từ 2009 nhưng được xây dựng, bàn thảo từ nhiều năm trước và ban hành vào tháng 11/2007. Sau 15 năm, mức giảm trừ gia cảnh mới được điều chỉnh 2 lần vào năm 2013 và 2020. Mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc được nâng từ 3,6 triệu đồng/người lên 4,4 triệu đồng/người từ tháng 7/2020.
Cụ thể, một người có tổng thu nhập dưới mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng sẽ không phải nộp thuế. Nếu nuôi 1 người phụ thuộc, mức giảm trừ gia cảnh sẽ được tăng 15,4 triệu đồng – nghĩa là mỗi người phụ thuộc được giảm 4,4 triệu đồng. Các mức tương ứng tiếp theo, nếu 2 người phụ thuộc là 19,8 triệu đồng; 3 người phụ thuộc là 24,2 triệu đồng; 4 người phụ thuộc là 28,6 triệu đồng.
Luật Thuế TNCN hiện hành có biểu thuế lũy tiến từng phần gồm bảy bậc, trong đó mức thuế cao nhất lên tới 35%, cao gần gấp đôi với thuế suất thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, mức điều chỉnh này được xem là quá lạc hậu trong bối cảnh kinh tế liên tục tăng trưởng, mức hưởng thụ đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng thay đổi, trong khi đó giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Chính điều này khiến gánh nặng thuế TNCN đối với người làm công ăn lương trở thành áp lực lớn.
Không khó để nhận thấy rằng, tình hình kinh tế xã hội hiện nay so với thời điểm ra đời Luật Thuế TNCN đã có nhiều thay đổi, trong đó có sự gia tăng về mặt bằng lương của người lao động do yếu tố trượt giá cũng như sự gia tăng quy mô của nền kinh tế. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Thuế TNCN.
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu đánh giá, góp ý theo từng nhóm vấn đề gồm: Đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, cơ sở tính thuế, giảm trừ gia cảnh... Điều này đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân. Bởi lẽ, thuế TNCN không chỉ là nguồn thu lớn của ngân sách mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi cá nhân.
Việc sửa đổi pháp luật thuế TNCN tác động lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh và chi tiêu xã hội. Tuy nhiên, sửa như thế nào để nộp thuế không phải là áp lực đối với người làm công ăn lương, nhất là trong bối cảnh giá cả leo thang là mục tiêu hàng đầu. Đồng thời cần công bằng hơn trong cách tính thuế để tạo điều kiện cho người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó đóng góp cho sự thịnh vượng chung của xã hội. Bên cạnh đó, sửa luật cần phải có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với sự phát triển chung, tránh xảy ra tình trạng, Luật vừa ban hành đã trở nên lạc hậu, lỗi thời.
NGÔ GIA