.

Không thể chậm trễ

Cập nhật: 19:30, 06/04/2022 (GMT+7)

Sau 6 năm vào BR-VT làm công nhân may tại một DN đóng trong KCN trên địa bàn TX. Phú Mỹ, Hồng – quê ở Nghệ An đã có một gia đình nhỏ, chồng và 2 đứa con. Cả 2 vợ chồng đều làm công nhân may, với mức lương mỗi người 6 triệu đồng/tháng và đi thuê nhà ở, Hồng cho biết luôn phải chật vật trong chi tiêu. Tiền thuê trọ, điện, nước khoảng 2-2,5 triệu đồng/tháng; tiền gửi trẻ 2 đứa con nhỏ, 1 bé hơn 4 tuổi và 1 bé 2 tuổi là 2,5 triệu đồng; tiền sữa 1,5 triệu đồng; tiền ăn và các khoản phí sinh hoạt khác thì “co kéo” trong số tiền còn lại. “Nhưng khi phát sinh ốm đau, bệnh tật thì chúng tôi toàn phải đi vay mượn người thân. Không thể có tích lũy nên chưa từng dám mơ có nhà ở để không phải thuê trọ”, Hồng nói.

Hồng cũng như nhiều công nhân lao động khác hiện nay đang phải chật vật xoay trở với đồng lương ít ỏi. Đặc biệt là hơn 2 năm dịch lan rộng với hàng loạt chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng dịch phát sinh, thu nhập giảm sút đã khiến họ càng khó khăn hơn. Đó là chưa kể, hiện nay giá cả leo thang, mức sống đang ngày một tăng cao. Theo một khảo sát năm 2021 của Viện Công nhân Công đoàn cho thấy, 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn; 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày; 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa; 60% tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân; 0,3% lao động vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ BHXH.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của COVID-19 nên lương tối thiểu vùng 2 năm qua đã không tăng và được thực hiện theo mức lương công bố tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Tiền lương tối thiểu điều chỉnh lần gần nhất từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu đồng; vùng III 3,42 triệu đồng; vùng IV 3,07 triệu đồng và giữ nguyên đến nay. Với mức lương này, theo  tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn, khoảng cách giữa lương và mức sống tối thiểu tiếp tục nới hơn 10% trong năm 2021.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, 7 yếu tố làm căn cứ để điều chỉnh mức lương tối thiểu đã có nhiều đổi mạnh như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung cầu lao động, năng suất lao động… Điều này khiến đời sống của người lao động khó khăn hơn trong điều kiện tiền lương tối thiều vùng thời gian qua chưa được điều chỉnh.

Mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 cho người lao động tại DN. Việc làm này đáp ứng được mong mỏi của người lao động, giúp họ có thêm một khoản chi phí trang trải cuộc sống. Ở chiều ngược lại, DN cũng sẽ được hưởng lợi khi hạn chế được bất ổn trong quan hệ lao động. Bởi lẽ, chỉ khi người lao động có mức lương thỏa đáng họ mới yên tâm gắn bó với DN, giúp DN phát triển.

NGÔ GIA

.
.
.