.

Bảo đảm hài hòa lợi ích người lao động

Cập nhật: 17:23, 12/04/2022 (GMT+7)

Trưa 12/4, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu, chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng kể từ ngày 1/7.

Đây có lẽ là tin vui nhất cho người lao động sau 18 tháng liên tục không được tăng lương, cho dù giá cả sinh hoạt, tiêu dùng đã tăng “phi mã” trong suốt 2 năm qua.

Mức tăng lương tối thiểu vùng được chốt là 6%, tương đương 180.000-260.000 đồng (tùy vùng), áp dụng từ 1/7/2022 đến 31/12/2023.Theo chia sẻ của TS.Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, lý do cần phải tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 là vì đến thời điểm trên, đã trễ 18 tháng không tăng lương cho người lao động. Ông Tiến nói: “Đáng lẽ phải tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2021. Chúng ta không thể kéo dài sự chậm trễ này nữa. Cá nhân tôi đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 9% thì mới thỏa đáng. Nhưng sau khi cân đối với một loạt yếu tố khác thì cũng cần có sự chia sẻ để có sự hài hòa”.

Còn theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam có 2 phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7, lần lượt các mức tăng 8,16% và 7,25%. Tuy nhiên, phải thấy rằng, sau 2 năm bị tác động kéo dài bởi dịch COVID-19, không chỉ người lao động bị ảnh hưởng mà ngay cả các doanh nghiệp cũng phải chịu thiệt hại không nhỏ. Chính vì vậy, việc chốt mức tăng 6% được coi là hài hòa ở thời điểm này.

Trước đó, nhằm bảo đảm thu nhập cho người lao động và tránh tình trạng thiếu nguồn lao động trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19, giờ làm thêm của người lao động cũng đã được điều chỉnh.

Cuối tháng 3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng. Việc điều chỉnh giờ làm thêm kể trên được cả hai phía là doanh nghiệp và người lao động đồng thuận cao.

Tăng lương tối thiểu vùng, điều chỉnh giờ làm thêm theo hướng bảo đảm lợi ích hài hòa cho người lao động và chủ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết. Cả hai động thái trên sẽ giúp người lao động có thêm thu nhập, bù đắp khoản thiếu hụt sau thời gian ngưng trệ bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, cùng với việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng, rất cần có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định, kéo giảm đà tăng của giá cả các mặt hàng thiết yếu (trong đó đặc biệt là xăng dầu) tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và công nhân, lao động; xây dựng và thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi nghề nhằm bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt cho thị trường lao động.

HẠ VY

.
.
.