Thực hiện hiệu quả 3 mục tiêu khôi phục, phát triển kinh tế

Thứ Năm, 10/02/2022, 17:59 [GMT+7]
In bài này
.

Kinh tế nước ta trong tháng 1 và những ngày đầu tháng 2/2022 có nhiều dấu hiệu khởi sắc, chuyển biến tích cực và diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới trên đà hồi phục. Tuy nhiên, trước những diễn biến về số lượng ca mắc COVID-19 gia tăng sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần (cao điểm lên tới gần 24 ngàn ca/ngày), có thể dự báo diễn biến của nền kinh tế trong những tháng tiếp theo vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6-6,5% là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực cao độ của các cấp, ngành, địa phương và DN.

Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chương trình được xây dựng với 3 mục tiêu chủ yếu, bao gồm: Khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu thực hiện GDP năm 2022 đạt từ 6-6,5%; Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, chú trọng tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động cho DN và tạo thuận lợi cho người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 còn khó lường, các địa phương, DN, đơn vị cần nhanh chóng vào cuộc, phấn đấu đạt hiệu quả cao ngay từ những ngày đầu năm mới và ngay trong quý I/2022. Trong đó, cần đẩy nhanh thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng chống dịch, tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19; rà soát, hoàn thiện quy định phòng, chống dịch, tạo thuận lợi cho DN duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiết giảm chi phí. Thí điểm và thực hiện lộ trình mở cửa phù hợp đối với du lịch, các dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật, gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Thực hiện thống nhất các quy định về đi lại, di chuyển của lao động, về lưu thông hàng hóa, dịch vụ và bảo đảm sản xuất an toàn. Chú trọng thúc đẩy xã hội hóa, bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch; ưu tiên nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa ngành y tế và nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người lao động trên cơ sở tiếp tục rà soát, có chính sách hỗ trợ phù hợp với người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh. Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động; nâng cao năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm, trường nghề chất lượng cao. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, trên các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lao động, người có công.

Trong chương trình phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với các DN, cần tập trung thực hiện việc giãn, hoãn, giảm thuế phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước; thực hiện cho vay ưu đãi, cho vay thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời trong giai đoạn ngắn để kích thích tăng trưởng, vừa có ý nghĩa lâu dài là tạo ra các kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế. Trong đó, cần tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có sức lan tỏa lớn, tác động nhanh đến phát triển các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn động lực tăng trưởng.

Với gói hỗ trợ 350 ngàn tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm (2022-2023) từ Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ ban hành, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, cùng với những bài học kinh nghiệm sau hơn 4 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” hy vọng các địa phương, các DN sẽ phát huy hiệu quả các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

HOÀNG LÊ

;
.