Tăng cường chống gian lận thương mại

Thứ Năm, 20/01/2022, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ còn đúng 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đây là khoảng thời gian nhu cầu tiêu dùng, mua sắm Tết của người dân tăng cao, cũng là thời điểm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng… nóng lên với những diễn biến bất thường, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý thị trường (QLTT).

Thời gian qua, trong những thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các lực lượng chức năng ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để phòng chống dịch, còn chú trọng công tác QLTT. Vì vậy, tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại có chiều hướng giảm mạnh, nhưng lại biến tướng dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi. Trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… vẫn tiếp diễn.

Theo số liệu thống kê năm 2021, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý 204 vụ vi phạm, số tiền xử lý vi phạm hành chính, trị giá hàng tịch thu và truy thu do thu lợi bất chính lên tới hơn 5,25 tỷ đồng. Những ngày này, nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người dân khi mua sắm Tết, Cục QLTT tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, QLTT tỉnh chủ động phối hợp với các ngành, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tất cả các địa bàn, chú trọng tập trung vào các chợ trung tâm, các siêu thị, cơ sở kinh doanh thương mại, nhà phân phối, nơi tập kết và dự trữ hàng hóa. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT còn tăng cường kiểm soát những hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hóa tiêu dùng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thị trường tiêu dùng hàng hóa dịp Tết năm nay không sôi động như các năm trước, song cũng nhộn nhịp hơn nhiều so với thời điểm cuối tháng 12/2021. Sau Tết Dương lịch, các DN, các nhà cung cấp, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã bước vào giai đoạn cao điểm theo tâm thế “thừa hơn thiếu” nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Đáng chú ý, so với các năm trước, tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay được các DN, các cơ sở kinh doanh chuẩn bị theo hướng an toàn, tiện lợi, đáp ứng phương thức mua sắm thời COVID-19, như mua hàng online, thanh toán số…

Thực tế hàng năm cho thấy, vào dịp cận Tết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng… thường diễn biến phức tạp và gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý thị trường. Trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương của nước ta cơ bản được kiểm soát và khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được triển khai thực hiện trên diện rộng, nhiều địa phương linh hoạt chuyển đổi phương thức phòng chống dịch, đưa đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, để chủ động kiểm soát diễn biến tình hình, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, QLTT các địa phương và các cơ quan chức năng cần chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; góp phần bảo đảm bình ổn giá, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết.

Đồng thời, các địa phương cần tăng cường lực lượng, phương tiện và duy trì chặt chẽ công tác kiểm tra để ngăn chặn các hành vi “đục nước béo cò”. Trong đó, cần tập trung vào các nhóm hàng hóa tiêu dùng dịp Tết, như thực phẩm, rượu bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang. Công tác kiểm tra cần tập trung vào các nội dung: Việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh; hóa đơn, chứng từ trong mua bán hàng hóa; nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; đo lường, chất lượng hàng hóa; an toàn thực phẩm; đầu cơ găm hàng, tăng giá quá mức…

HOÀNG LÊ

 
;
.