Kích cầu tiêu dùng

Thứ Tư, 19/01/2022, 18:31 [GMT+7]
In bài này
.

Dù chưa thật nhộn nhịp như mọi năm, những ngày này người dân đã bắt đầu mua sắm Tết. Dự đoán của Sở Công thương cũng cho thấy, thị trường Tết 2022 có thể không sôi động bằng 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng vẫn ở mức gia tăng tương đối trong bối cảnh triển khai công tác chống dịch tích cực như hiện nay. Nhận định trên càng có cơ sở khi tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ ghi nhận lượng khách đến mua sắm tăng đều qua từng tuần kể từ cuối tháng 11. Các siêu thị cũng phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp để có nguồn hàng hóa phục vụ Tết từ sớm, với lượng hàng dự kiến tăng khoảng 15-20%, đồng thời bảo đảm giá cả bình ổn. Thậm chí, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu cũng được “bung mạnh” dịp này nhắm kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các mặt hàng Tết vẫn tập trung chủ yếu vào thực phẩm như: thịt bò, gà, heo, gạo, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát… Đồng thời đa dạng về chủng loại, kích cỡ, mức giá đối với các thực phẩm truyền thống, đặc sản vùng miền, giỏ quà Tết… để khách hàng dễ dàng lựa chọn phù hợp với từng nhu cầu.

Ở góc độ vĩ mô, mới đây Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những điểm rất đáng chú ý trong Nghị quyết 43 của Quốc hội là sẽ giảm thuế giá trị gia tăng 2% kể từ tháng 2/2022 đến hết năm cho một số hàng hóa dịch vụ hiện đang có thuế suất 10%. Gói chính sách khoảng 350.000 tỷ đồng đưa ra thời điểm này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng trước đây chỉ được thực hiện với một số hàng hóa, dịch vụ đặc thù, nhưng lần này đối tượng được thụ hưởng ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nên hiệu ứng đối với nền kinh tế là rất lớn. Do đó sẽ giúp giá thành sản phẩm, dịch vụ giảm theo, tạo động lực kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện mức thuế giá trị gia tăng áp trên toàn bộ các mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng nên nếu chính sách giảm thuế giá trị gia tăng được thông qua trong năm 2022 sẽ giúp kéo giá thành sản phẩm, dịch vụ từ xe ôm, đến các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như quần áo, xăng dầu, bánh kẹo... sẽ giảm theo. Chính vì vậy, đây được xem là chính sách cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do dịch COVID-19.

Các DN, cơ sở kinh doanh cũng đang kỳ vọng việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ khuyến khích người dân tiêu dùng, mua sắm, nhất là dịp lễ Tết đang đến gần. Tuy nhiên, giảm thuế cũng cần có giải pháp để bảo đảm hàng hóa, dịch vụ có mức giảm tương ứng cho người mua. Đặc biệt, DN, người dân cũng kỳ vọng, gói chính sách này cũng phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng mới có thể phát huy hiệu quả như mong muốn.

NGÔ GIA

 
;
.