Để sự kiện phát huy hiệu quả quảng bá

Thứ Sáu, 14/01/2022, 16:23 [GMT+7]
In bài này
.

Tuần qua, Sở Du lịch đã ngồi lại cùng Công ty CP Ngôi Sao Biển để bàn bạc kế hoạch tổ chức Festival ẩm thực - du lịch năm 2022. Sự kiện dự kiến gồm chuỗi hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian, trong đó ẩm thực là chủ thể xuyên suốt. Đặc biệt, tại sự kiện Ban tổ chức sẽ đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam “50 món cá đuối” do 25 nghệ nhân và đầu bếp chuyên nghiệp nổi tiếng Việt Nam và BR-VT chế biến tại chỗ cho du khách thưởng lãm.

Buổi làm việc có đại diện các Sở: Công thương, VH-TT, Nông nghiệp, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch… Tất cả đều hào hứng ủng hộ sự kiện và đóng góp nhiều ý kiến hữu ích để chuỗi hoạt động cộng hưởng được trơn tru, suôn sẻ, phát huy ý nghĩa quảng bá, thu hút du khách.

Dù Ban tổ chức chưa gút lại lịch trình các hoạt động và thời gian tổ chức, bên cạnh đó còn phải xin ý kiến UBND tỉnh, Tỉnh ủy… song đây được xem là động thái tích cực thể hiện sự chủ động trong kế hoạch phục hồi du lịch hậu dịch của BR-VT.

Ngoài sự kiện trên, lãnh đạo TP.Vũng Tàu cũng đã công bố năm 2022, thành phố sẽ lấy sự kiện để thu hút khách du lịch. Theo đó, TP.Vũng Tàu sẽ phối hợp tổ chức Cuộc thi Miss World, âm nhạc đường phố, leo núi, xe đạp, thể thao biển cuối tuần… Về phía ngành du lịch, nhiều hoạt động quảng bá, kích cầu như: famtrip, presstrip khảo sát dịch vụ và các điểm đến mới trên địa bàn; duy trì sàn thương mại điện tử về du lịch; quảng bá, thu hút khách quốc tế, tập trung vào các thị trường mục tiêu Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ…

Với nhiều nước trên thế giới và các tỉnh, thành trong nước, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đã được kiểm chứng là một kênh quảng bá hiệu quả cho thương hiệu và hình ảnh du lịch của địa phương. Thông qua sự kiện giúp du khách tiếp cận và trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của điểm đến, cộng đồng làm du lịch thu lợi về kinh tế và nhiều hiệu ứng xã hội tích cực đối với địa phương sau sự kiện.

Hiện nay, Việt Nam đã làm tốt công tác kiểm soát dịch COVID-19. Tất cả hoạt động kinh tế-xã hội đã bình thường trở lại. Người dân cũng an tâm hơn khi tham gia vào các hoạt động, nhất là du lịch. Kết quả khảo sát tâm lý và hành vi của khách du lịch hậu dịch COVID-19 cũng cho thấy những điểm đến gần TP.Hồ Chí Minh, khí hậu trong lành, mát mẻ, có biển được lựa chọn nhiều nhất. Thực tế tình hình kinh doanh tại cơ sở lưu trú trên địa bàn trong tháng 1 vừa qua đã khẳng định kết quả trên khá chính xác.

BR-VT khởi động kế hoạch phục hồi du lịch bằng các sự kiện là hoàn toàn bắt trúng tâm lý, thị hiếu của du khách. Thế nhưng, khai thác các sự kiện trên thế nào để tạo hiệu ứng lan tỏa, đạt mục tiêu thu hút khách trước, trong và sau sự kiện đến nay ra sao là điều cần lưu lý.

Rút kinh nghiệm từ nhiều sự kiện đã diễn ra trước đó, ngành du lịch cần sớm công bố kế hoạch, lịch trình hoạt động, điểm nhấn của sự kiện… đến công chúng, DN lữ hành, khách sạn, KDL để DN quảng bá và chủ động kết nối tour đưa khách về BR-VT, đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới, đồng hành cùng sự kiện. Sau đó, nâng sự kiện lên tầm quốc gia, quốc tế và ấn định thời gian tổ chức định kỳ để thuận tiện trong quảng bá, xây dựng tour chào bán thu hút du khách. Khi du khách hào hứng đổ về dự sự kiện, cộng đồng làm du lịch hưởng lợi chắc chắn sẽ đồng hành cùng địa phương trong hỗ trợ, tài trợ, làm tăng sức sống cho sự kiện, tăng tính chuyên nghiệp, uy tín, thương hiệu cho hình ảnh du lịch địa phương.

TRẦN HIỀN

 

;
.