Trong vòng chưa đầy 1 tháng đã xảy ra 2 vụ án đau lòng liên quan đến việc hành hạ trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội.
Điểm chung của 2 vụ án này: kẻ thủ ác đều là người tình của cha hoặc mẹ nạn nhân. Hành vi của các đối tượng này đã khiến dư luận phẫn nộ, bởi chúng dùng thủ đoạn tàn ác trút lên đầu những đứa trẻ vô tội, khiến em thì tử vong, em còn lại đang trong tình trạng nguy kịch.
Những kẻ thủ ác đã bị bắt giữ và cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ làm căn cứ xử lý đúng người, đúng tội. Rồi đây, chúng này sẽ phải nhận hình phạt thích đáng cho hành vi thú tính của mình. 2 vụ việc này lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành còn diễn biến phức tạp.
Theo một báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại. Cơ quan chức năng xác định, có hơn 1.000 vụ hiếp dâm, 1.500 vụ giao cấu với trẻ em. Trong 2 năm, cả nước xảy ra hơn 110 vụ án giết trẻ em với 120 nạn nhân.
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) phân tích, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống khác khiến ngày càng ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trong đó có vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột trẻ em. Bà Loan nhận định, trong thời gian tới, tình trạng xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng cả trong đời thực và không gian mạng.
Trẻ em là đối tượng đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, ngây thơ, trong sáng, chưa có khả năng tự bảo vệ mình. Vì vậy, khi bị bạo hành, các em thường phải chịu trận mà không biết hoặc không dám cầu cứu.
Nhưng 2 vụ án kể trên đều cho thấy gia đình, hàng xóm chưa thực sự quan tâm, chú ý và phát hiện những bất thường nơi các em. Trong vụ án em V.A. (8 tuổi, ngụ TP. Hồ Chí Minh) bị người tình của cha hành hạ đến chết, hàng xóm nhiều lần nghe tiếng em bị la mắng, đánh đòn nhưng chỉ coi đó là việc riêng của gia đình. Đáng trách hơn, người cha ruột, dù biết con gái bị mẹ kế hành hạ vẫn không ngăn cản và cũng trở thành đồng phạm. Còn em N.A. (3 tuổi ở Hà Nội), trước khi bị người tình của mẹ đóng 9 cây đinh vào đầu, đã từng bị bắt uống thuốc trừ sâu, nuốt ốc vít, đánh gãy tay… Người thân, gia đình phát hiện có dấu hiện bất thường nhưng cũng không ai tìm hiểu kỹ để can thiệp kịp thời.
Bên cạnh đó, lối sống khép kín kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”, thiếu quan tâm đến hàng xóm là nguyên nhân khiến nhiều vụ bạo hành gia đình, đặc biệt là bạo hành trẻ em trở nên nghiêm trọng, ngoài tầm kiểm soát. Thậm chí, nhiều vụ bạo hành gia đình đã xảy ra, hàng xóm biết nhưng không báo cơ quan chức năng vì ngại đụng chạm, sợ mất lòng hàng xóm hoặc bị trả thù.
Trẻ em không có tội. Xin đừng coi trẻ em là cái gai trong mắt, là “chướng ngại” trên con đường tìm kiếm hạnh phúc mới. Nếu không chấp nhận yêu thương, chăm lo cho trẻ, những người cha, người mẹ kế đó có thể tìm giải pháp vẹn toàn hơn, đó là yêu cầu người tình trả trẻ về cho cha/mẹ ruột hoặc người thân, để các em được sống trong vòng tay yêu thương. Mặt khác, cha/mẹ ruột cần có tình yêu đủ lớn để sẵn sàng bảo vệ con, ngăn chặn mối nguy rình rập trẻ khi thấy trẻ không được người tình chấp nhận.
Luật Trẻ em quy định rõ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, bảo vệ trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng ai mà đó là trách nhiệm chung của mỗi gia đình và cộng đồng xã hội. Mong rằng, 2 vụ việc đau lòng trên sẽ là lời cảnh báo mạnh mẽ, để không còn có thêm bất kỳ trường hợp đáng tiếc nào xảy ra trong tương lai.
NGUYỄN ĐỨC