Câu chuyện ăn hay không ăn thịt chó lại tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận và cộng đồng sau khi TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) ký kết hợp tác với FOUR PAWS (Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu) về việc loại bỏ việc sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn. Mục đích chính của việc ký thỏa thuận là nhằm thúc đẩy quyền lợi động vật, xóa bệnh dại và loại bỏ dần nạn buôn bán thịt chó, mèo.
Nói “tiếp tục gây tranh cãi” vì rằng năm 2018, TP.Hà Nội đã có văn bản khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo. Chính quyền Thủ đô cho rằng, việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại.
Năm 2019, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản, khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó làm thực phẩm. Lý do là việc giết mổ, sử dụng thịt chó chưa qua kiểm dịch, kiểm soát, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe - đặc biệt các hóa chất dùng để đánh bả chó rất độc hại, có thể gây chết người. Sau mỗi lần như vậy, dư luận lại “dậy sóng” với 2 ý kiến trái chiều: “Phe” đồng tình, ủng hộ; “phe”còn lại thì nói gọn “luật không cấm thì chúng tôi có quyền ăn”, bên nào cũng có lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình.
Chó, mèo là những con vật thông minh, giàu cảm xúc, sống gần gũi, gắn bó với con người nhất so với các con vật khác. Vậy nên, khi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hội An vận động người dân nói “không” với thịt chó, mèo, những người ủng hộ đã nhanh chóng thể hiện sự đồng tình, cho đó là cách làm phù hợp trong xã hội phát triển, thể hiện tư duy văn minh và nhân văn, cần được hưởng ứng, nhân rộng. Sẽ không có gì là ầm ỹ nếu câu chuyện dừng lại ở đó. Ngặt nỗi, khi “lời qua tiếng lại”, không ít người đã có những câu chữ, lời lẽ không được hay cho lắm. Chẳng hạn có người nói ăn thịt chó là tiếp tay cho việc trộm cắp, tiêu thụ chó - một vấn nạn đã làm nóng dư luận nhiều năm nay. Nhiều vụ “cẩu tặc” bị người dân bắt quả tang và đánh đến thừa sống thiếu chết, phải nhờ công an giải cứu. Cũng không thiếu những trường hợp chủ nhà khi phát hiện, truy đuổi kẻ trộm chó đã bị chúng tấn công đến tử vong. Lại có người nặng lời phê phán “Ăn thịt chó là dã man, là kém văn minh” khiến những “tín đồ cầy tơ” tự ái, yêu cầu tôn trọng sở thích ăn uống của họ, không nên quy kết, đánh giá con người qua việc ăn thịt chó, mèo.
Cuộc tranh cãi vẫn chưa dừng lại. Các quán thịt cầy vẫn tiếp tục mở cửa phục vụ “thượng đế”. Và Việt Nam vẫn là nước tiêu thụ thịt chó, mèo nhiều thứ nhì châu Á - sau Trung Quốc với hơn 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán và giết để lấy thịt.
Có một thực tế là khá nhiều người một thời coi thịt chó, mèo là món ăn khoái khẩu, “quốc hồn quốc túy” một ngày nọ đã thay đổi nhận thức, từ bỏ thói quen ăn thịt chó, ai mời mọc, ép buộc cũng nhất quyết không đụng đũa vào. Hà Nội từng có phố thịt chó Nhật Tân một thời sôi động, sáng chiều tấp nập khách vào ra, hiện nay chỉ còn vài quán lèo tèo. Điều đó cho thấy thói quen có yếu tố văn hóa lâu đời vẫn có thể thay đổi mà không cần phải ban hành lệnh cấm, cũng không phải vin vào yếu tố tâm linh.
Trong bối cảnh hội nhập, tạo hình ảnh thân thiện với bạn bè quốc tế, vận động người dân nói “không” với ăn thịt chó, mèo là cần thiết. Rất nhiều người - trong đó có các chuyên gia, nhà quản lý gặp nhau ở quan điểm không nên và cũng không thể cấm ăn thịt chó, mèo bởi có can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính cũng không khả thi. Giải pháp “đi vào lòng người” nhất chính là tăng cường truyền thông, vận động để mọi người dần thay đổi thói quen. Đó phải là một cuộc vận động mang tính chiều sâu trong việc ứng xử với chó, mèo - những vật nuôi gần gũi, gắn bó với con người. Hành trình đó cũng sẽ rất dài bởi việc thay đổi một thói quen ẩm thực không thể ngay lập tức làm được mà đòi hỏi phải có thời gian.
Mưa dầm thấm sâu! Đến một lúc nào đó, những người ghiền món “cờ tây” sẽ thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen. Ai có hỏi lý do họ sẽ tự động thốt lên “Tớ không muốn dùng nữa, thì bỏ, vậy thôi!” .
TRƯƠNG TÙNG