.

Thành trì vững chắc

Cập nhật: 00:07, 16/11/2021 (GMT+7)

Trở về Quy Nhơn sau gần 3 tháng biệt phái hỗ trợ BR-VT phòng, chống dịch COVID-19 ở vai trò Trưởng Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế, Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn vẫn luôn quan tâm, thăm hỏi với mong muốn tình hình phòng, chống dịch (PCD) của tỉnh BR-VT sớm được cải thiện, nhất là ở địa bàn khu công nghiệp-cụm công nghiệp (KCN-CCN).

Hay tin tỉnh BR-VT sáng 16/11 tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến gặp gỡ các chủ đầu tư của các KCN-CCN trên địa bàn tỉnh về công tác PCD COVID-19, ông nhận định: “Chọn đúng đối tượng để truyền thông là vấn đề có tính tiên quyết tạo nên sức mạnh và độ bền bỉ của chiến lược PCD. Lãnh đạo tỉnh đã đặt niềm tin đúng chỗ, đã dành công sức xây dựng thành trì vững chắc cho công tác PCD ngay tại mỗi DN, trong từng cơ sở, từng xí nghiệp sản xuất. Đây cũng chính là sự đầu tư cho công cuộc tái sản xuất trong những tháng cuối năm đang rất cần sự bứt phá mạnh mẽ để hoàn thành kế hoạch năm 2021, tạo sức bật cho nền công nghiệp BR-VT tiến vào năm 2022. Bản thân tôi cũng rất kỳ vọng vào cuộc gặp gỡ đầy giá trị này”.

Ông nhắc lại, sở dĩ Hội nghị trực tuyến tỉnh BR-VT ngày 2/10 hướng dẫn quy trình PCD COVID-19 đạt được thành công bước đầu chính ở sự tham gia nghiêm túc của lãnh đạo, của nhóm chuyên gia và các thành viên nòng cốt đến từ hơn 450 DN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt vùng xanh của các KCN-CCN; công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn khả năng lây nhiễm COVID-19 xâm nhập từ bên ngoài vào từng DN trong KCN-CCN; cũng như các bước chuẩn bị cho khả năng ứng phó, xử lý tình huống, nhất là khi xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 một cách chuyên nghiệp, kịp thời, đúng quy trình đã được truyền thông đến bộ phận đầu não, chỉ huy, có vai trò quyết định trong công tác PCD cũng như công tác bảo vệ an toàn sản xuất tại đơn vị.

Các DN cũng tâm đắc với chiến lược, sách lược PCD COVID-19 của tỉnh trong thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định: “Đảng bộ, chính quyền tỉnh BR-VT luôn sát cánh, đồng hành cùng DN để kiểm soát linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh, phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục đầu tư cho sản xuất và bảo vệ an toàn sản xuất trong tình hình cam go trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành”.

Trước đó, Đoàn Công tác đặc biệt của Bộ Y tế cũng đã cùng ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và các thành viên CDC, Sở Y tế tỉnh có nhiều đợt kiểm tra, tư vấn cho các đơn vị, DN trong KCN-CCN. Đây là những chuyến đi thực tế hữu ích, là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các đối sách, các biện pháp thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất. Đồng thời tạo dựng nền tảng bảo vệ an toàn lực lượng lao động cho sản xuất công nghiệp đang chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, hiện tại tình hình dịch COVID-19 trong tỉnh đang diễn tiến phức tạp và khó lường. Trong những ngày gần đây, số ca dương tính mỗi ngày liên tục gia tăng. “Với con số 184-223 ca/ngày như trong tuần qua thì chẳng bao lâu sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Có thể quá tải hệ thống, không những cho hệ thống điều trị mà còn cả hệ thống các Ban Chỉ đạo PCD COVID-19 trên phạm vi toàn tỉnh. Thiệt hại đó không hề nhỏ. Và tác động này sẽ ảnh hưởng lên mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đặc biệt là sự thiệt hại kinh tế trong các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh nói chung. Nếu xuất hiện tình huống nhiều DN phá sản, đóng cửa, mất đơn hàng, không dám nhận hàng mới, thì việc người lao động mất việc và thất nghiệp sẽ ở vào con số không nhỏ”, Tiến sĩ Quang nhận định.

Gửi gắm các đề xuất đang rất cần sự nhanh chóng vào cuộc của từng DN trong các KCN-CCN, Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang nhấn mạnh, trước hết, mỗi DN cần có phương án PCD và diễn tập cụ thể. Và trong quá trình thao diễn cần có cán bộ y tế tham gia góp ý, chỉnh sửa. Thứ hai, tất cả các DN trong KCN-CCN phải nghiêm túc tuân thủ quy định xét nghiệm định kỳ sàng lọc và thực hiện tập trung có trọng tâm, trọng điểm, chọn lọc ở các nhóm nguy cơ cao. Thứ ba, nhất thiết phải có chế độ thi đua và chế tài xử phạt cho từng khu, từng phân xưởng bộ phận vi phạm công tác PCD; đồng thời tuyên dương, khen thưởng để kích thích công tác PCD tốt nhất cho từng DN. Song song đó, cần tăng độ bao phủ vắc xin cho toàn bộ DN; tăng cường công tác quản lý đối tượng ra vào DN, nhất là nhóm đi từ vùng dịch trở về; tăng cường công tác quản lý nhân sự và thường xuyên theo dõi sức khỏe của từng người lao động trong DN.

“Nhưng theo tôi, quan trọng hơn nữa là, không thể khoán trắng các khâu và kinh phí PCD cho ngành y tế và ngân sách của tỉnh. Cần có sự chịu trách nhiệm, chung tay của DN để họ thấy rõ trách nhiệm và thiệt hại khi có dịch. Từ đó các DN sẽ làm tốt hơn, quản lý tốt hơn công tác PCD, bảo vệ lực lượng lao động, bảo vệ sản xuất trước an nguy của dịch bệnh”.

Tâm huyết, trách nhiệm, đi cùng với kiến thức cũng như khả năng phân tích, đánh giá tình hình để đưa ra giải pháp tích cực và hiệu quả thực sự có ý nghĩa quyết định trong giai đoạn PCD và tái sản xuất như hiện nay. Tỉnh đang bằng mọi nỗ lực xây dựng một thành trì kiên cố, vững chắc để tiếp tục bảo vệ thành quả xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe và nâng cao mức sống người dân. Hơn bao giờ hết, mỗi DN khi bảo vệ an toàn sản xuất, bảo vệ sức khỏe và giữ vững cơ hội việc làm cho người lao động, cùng người lao động vượt qua gian khó hôm nay cũng chính là xây dựng thành trì vững chắc cho sự phát triển dài lâu của DN trong tương lai.

ĐỖ HOÀNG

 

.
.
.