.

Hỗ trợ DN phòng chống dịch

Cập nhật: 19:53, 14/11/2021 (GMT+7)

Sau thời gian “đi xuống”, những ngày đầu tháng 11 đường biểu diễn dịch tễ COVID-19 trên địa bàn BR-VT lại đi lên, nhiều ngày ở mức 3 con số. Hàng loạt ca mắc ngoài cộng đồng liên quan đến người ngoài địa phương, đi từ vùng dịch về. Và, điều quan ngại của các cơ quan chức năng cuối cùng cũng đã tới: Tại một số Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh liên tiếp ghi nhận những ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó các chuỗi lây nhiễm phức tạp.

Hồi chuông cảnh báo đã vang lên ở nhiều KCN, KCX trong cả nước từ sau khi 2 ổ dịch bùng phát tại 2 KCN ở Đà Nẵng và Bắc Giang vào tháng 5/2021. Nhận thức được điều nguy hại “nếu không đánh chặn từ xa, dịch sẽ tràn vào, gây đứt gãy sản xuất”, DN ở các KCN, KCX, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi có mật độ công nhân lao động lớn trong khi điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt tại nơi lưu trú chật hẹp, đều tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Thời điểm dịch bùng phát mạnh, nhiều DN đã triển khai phương án tổ chức sản xuất kinh doanh theo phương châm “3 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường - 2 điểm đến. Tuy vậy, không phải DN nào cũng làm tốt công tác phòng, chống dịch. Không ít DN lúng túng trong xây dựng kịch bản chủ động phòng tránh, thích ứng an toàn trong điều kiện có dịch, chưa thực hiện triệt để các qui định, biện pháp do lực lượng chức năng đề ra. Công ty Zirtec thuộc KCN Sonadezi (huyện Châu Đức) là một ví dụ. DN này đã để công nhân (ca F0) ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đi về nhà hàng tuần, khi quay trở lại làm việc tại công ty, DN không tuân thủ thực hiện cách ly trước tại nơi làm việc theo quy định, dẫn đến lây lan dịch.

Tại cuộc họp của BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh diễn ra vào chiều tối 8/11, ông Trần Đình Khoa Bí thư Thành ủy Vũng Tàu có một nhận định rất đáng lưu ý: Cần có những đánh giá, dự báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong các CCN, KCN;Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ phương án phòng, chống dịch của tất cả các DN. Theo ông, Ban Quản lý các KCN, CCN cần kích hoạt tổ phản ứng nhanh phòng khi có ca bệnh xuất hiện trong các DN kịp thời xử lý ổ dịch nhanh và hiệu quả. Ông Khoa dẫn chứng qua kiểm tra các công trường ở TP. Vũng Tàu, DN có ca mắc COVID-19 cho thấy, các đơn vị này dù đều xây dựng phương án phòng, chống dịch, nhưng không sát thực tế. Hầu như DN chưa có phương án xử lý trong trường hợp ghi nhận ca F0. Khi có ca F0 thì số lượng F1 thường rất đông. Phần lớn công nhân người lao động ở trọ, nên không đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà, khiến cho TP. Vũng Tàu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức cách ly y tế tập trung.

Có thể nói những bất cập trong công tác phòng chống dịch của các DN ở TP. Vũng Tàu cũng là của DN các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh hiện nay. Thực trạng đó đòi hỏi các KCN, từng DN triển khai nhanh hơn, quyết liệt hơn các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, hạn chế thấp nhất các nguy cơ. Biện pháp phòng chống dịch cho DN và các KCN nằm ngay trong gợi ý của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh: Thường xuyên đánh giá và nắm chắc các nguồn lây nhiễm; bổ sung nguồn lực, thành lập các trạm y tế lưu động tại KCN; thận trọng trong khoanh vùng, truy vết để tìm đúng F1, F2. Bên cạnh đó, cần tổ chức cho các DN diễn tập để không lúng túng khi xuất hiện F0; khuyến khích DN tổ chức test nhanh COVID-19 cho người lao động định kỳ.

Đối với các DN không có phương án phòng, chống dịch hoặc xây dựng phương án không đáp ứng yêu cầu, chính quyền, lực lượng chức năng kiên quyết yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Cuối tuần qua, UBND tỉnh đã ban hành một văn bản đáp ứng sự mong đợi của DN: Hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN trên địa bàn tỉnh. Với “cẩm nang” này, DN sẽ triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho NLĐ, vừa duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN phòng chống dịch có hiệu quả chính là chặn nguy cơ đứt gãy chuỗi lao động, tạo thêm động lực mới cho việc khôi phục sức sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh hơn trong trạng thái bình thường mới.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

.
.
.