.

Dùng tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng đen

Cập nhật: 18:10, 16/11/2021 (GMT+7)

Cuối tuần rồi, 45 hộ dân khó khăn tại huyện Châu Đức tập trung về Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Học tập cộng đồng xã Láng Lớn và trụ sở KP. Vinh Thanh, TT. Ngãi Giao để nhận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH tỉnh. Trong số đó, có hơn nửa số hộ vay từ chương trình giải quyết việc làm.

Cầm số tiền được vay trong tay, ai cũng phấn khởi, vạch ra kế hoạch sẽ làm gì trong thời gian tới. Người dự định mua thêm con giống, sửa sang chuồng trại; người dự tính thêm vào mua nguyên liệu sản xuất...  

Lãnh  đạo NHCSXH tỉnh chia sẻ, sau nhiều tháng tạm nghỉ vì dịch bệnh, nhiều trường hợp lâm vào tình cảnh giảm thu nhập, mất việc làm. Do đó, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, phục vụ sinh hoạt, đời sống tăng cao. Để đẩy mạnh hỗ trợ các hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giúp họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, ngay sau khi tỉnh gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các phòng giao dịch của NHCSXH tỉnh đã xuống các địa phương giải ngân nguồn vốn ưu đãi cho người dân, trong đó chủ yếu là nguồn vốn từ giải quyết việc làm.

Chỉ tính từ ngày 23/9, thời điểm  BR-VT thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đến nay, NHCSXH tỉnh đã giải ngân gần 144 tỷ đồng cho 2.753 khách hàng vay vốn. Số tiền mỗi hộ vay được dù chưa lớn (từ 30-50 triệu đồng), nhưng cũng đã phần nào giúp người dân có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là giải pháp góp phần đẩy lùi tín dụng đen trong đời sống người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng xa.

Nhắc đến tín dụng đen, nhiều người dân không quên được vài năm trước nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn đốn vì phải “gồng mình” trả nợ “lãi mẹ đẻ lãi con” theo ngày. Tín dụng đen hoạt động ở các làng quê dưới nhiều hình thức. Có thể là thông qua số điện thoại được in trên những tờ rơi quảng cáo dán tại cột điện, tường nhà dân... Bất cứ ai có nhu cầu vay tiền chỉ cần nhấc điện thoại gọi là có người đưa tiền “tươi” đến cho vay ngay lập tức hoặc hẹn đến địa điểm gần nhất, có thể là quán nước ven đường… Tình trạng này đã tạo ra những hệ lụy đối với tính thanh khoản của thị trường tài chính cũng như gây mất trật tự an toàn xã hội.

Để đẩy lùi tín dụng đen, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen”. Theo đánh giá của ngành chức năng, tuy mới triển khai được 2 năm nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước. Nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao…

Dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, mới đây tại hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” do NHNN phối hợp với Báo Lao động tổ chức, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn. Đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức. Đối với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ngân hàng đẩy mạnh các hình thức như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng…

Sự quyết liệt vào cuộc của hệ thống ngân hàng trong mở rộng mạng lưới, cung ứng kịp thời các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đặc biệt là các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn đã kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Qua đó, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần không nhỏ cùng các cấp, các ngành ngăn chặn nạn tín dụng đen.

HÀ AN

.
.
.