Phục hồi thị trường lao động
Chỉ 3 ngày sau cuộc điện thoại hỏi thăm tình hình, Thủy – công nhân thuộc chuyền thêu của một công ty chuyên gia công gối, túi xách xuất khẩu đóng chân tại phường Rạch Dừa (TP. Vũng Tàu) đã xếp quần áo, rời quê Nghệ An để trở lại làm việc. “Lúc đầu em cũng tính ở lại quê, xin vào làm việc tại nông trường chè. Nhưng đích thân giám đốc công ty gọi điện thoại, đơn hàng nhiều mà việc tuyển dụng lao động có tay nghề như em vào thời điểm này quá khó. Trong khi đó dịch cũng đang được kiểm soát tốt nên em quyết định quay vào, gắn bó lâu dài với công ty”, Thủy nói.
Thủy hồi hương đợt cuối tháng 8/2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh và công ty buộc phải ngừng sản xuất. Cố gắng ở lại cầm cự nhưng bố mẹ ở quê lo lắng, gọi điện thoại giục về. Thủy lên diễn đàn đồng hương và theo nhóm bạn rời TP. Vũng Tàu. Đến nay, 2/3 thành viên trong nhóm hồi hương cùng Thủy đã quay trở lại công ty khi đơn hàng cuối năm tấp nập.
Thông tin từ Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 8/11 cũng cho thấy, các KCN, khu chế xuất phía Nam đã phục hồi sản xuất từ 50 đến 80%, số lao động trở lại làm việc 70 đến 75%, có địa phương tới 90%. Sau hơn 1 tháng “thích ứng an toàn, linh hoạt”, tình hình đang có tiến triển khả quan. “So với yêu cầu đáp ứng đơn hàng thì các DN còn thiếu lao động nhưng không đến mức trầm trọng. Dự báo hết quý I và đầu quý II/2022, nếu không có diễn biến phức tạp thì thị trường lao động có thể trở lại như bình thường”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nói.
Thông tin trên cho thấy đã có tín hiệu tích cực về thị trường lao động sau những lo sợ thiếu hụt từ đợt hàng chục ngàn người hồi hương khi dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam. Đây cũng là kết quả từ hành động quyết liệt, nhanh chóng từ Trung ương đến địa phương trong việc nỗ lực phục hồi thị trường lao động. Đó là Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã ban hành và thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ DN, người dân, người lao động. Mặt khác, độ bao phủ vắc xin đang được mở rộng rất nhanh. Những điều này đã góp phần tạo điều kiện tốt để mở cửa, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Đặc biệt, ngày 12/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo khung chính sách nhất quán cho các địa phương triển khai thực hiện. Điều này có ý nghĩa quan trọng để việc lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường lao động vận hành trơn tru, thông suốt. Theo dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đang được xây dựng, việc hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển thị trường lao động cũng là một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh và có nhiều đề xuất về giải pháp thiết thực hơn.
Tuy nhiên, việc khôi phục thị trường lao động vẫn còn là một thách thức lớn và rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Qua đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với hàng chục ngàn lao động hồi hương cho thấy, đã đến lúc cần đưa ra những chính sách căn cơ để chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần cho người lao động, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho họ tốt hơn mới có thể thu hút họ quay lại, gắn bó lâu dài với các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng. Ở đó không chỉ là môi trường làm việc tốt, thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống, đào tạo tay nghề mà còn là chính sách về nhà ở, khu vui chơi giải trí, trường học cho con em người lao động cùng các chế độ đãi ngộ khác.
THẢO PHƯƠNG