Để sớm đưa học sinh trở lại trường học

Thứ Sáu, 12/11/2021, 19:54 [GMT+7]
In bài này
.

Sau khi cơ bản phủ vắc xin phòng COVID-19 cho người từ đủ 18 tuổi trở lên, cả nước tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Tại BR-VT, từ ngày 12/11, tỉnh bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin cho gần 119 ngàn HS trong độ tuổi này nhằm mục tiêu bảo đảm các điều kiện an toàn để đưa HS trở lại trường học trực tiếp.

Trước khi tiêm vắc xin cho HS, ngành GD-ĐT tỉnh phối hợp ngành y tế đã có những bước chuẩn bị chu đáo, từ tâm lý đến các điều kiện tiêm chủng để HS và phụ huynh cảm thấy thoải mái, sẵn sàng tiêm chủng. Khoảng từ trung tuần tháng 10, các nhà trường đã gửi khảo sát nhu cầu và phiếu đăng ký tiêm vắc xin cho HS đến từng phụ huynh. Thông qua các nhóm Zalo kết nối với phụ huynh, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cung cấp những thông tin cần thiết về mục tiêu, ý nghĩa của việc tiêm vắc xin.

Con tôi đang học lớp 10 tại TP. Vũng Tàu và phụ huynh đã nhận được đầy đủ các thông tin nêu trên. Trong nhóm phụ huynh của lớp gồm hơn 40 người, đến chiều 12/11 chỉ có 1 ý kiến không đồng ý cho con tiêm, 1 trường hợp đã tiêm rồi, còn lại đều đồng ý. Thái độ chung của các bậc phụ huynh là hồ hởi khi hay tin con mình được tiêm vắc xin. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi nước ta, đặc biệt là tỉnh BR-VT và các tỉnh phía Nam đã trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều hoạt động bị hạn chế, HS phải học trực tuyến tại nhà để bảo đảm phòng dịch. Thông tin về dịch bệnh và vắc xin cũng đã đến được với từng người, từng nhà. Do vậy, người dân không còn lo ngại việc tiêm vắc xin nữa, khi mà nó đã được kiểm chứng về độ an toàn cũng như tác dụng trong việc phòng dịch, chống dịch.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và lây lan mạnh, việc HS phải học trực tuyến là điều bắt buộc. Tuy nhiên, so với hình thức học trực tiếp trên lớp, việc học trực tuyến đã bộc lộ một số hạn chế như: mức độ tương tác giữa HS với GV ít hơn, GV và phụ huynh khó kiểm soát được HS hơn, HS vừa học vừa nhắn tin trò chuyện với nhau hay lướt mạng xã hội… Những hạn chế này dẫn đến hiệu quả tiếp thu bài giảng, kiến thức của HS không hiệu quả bằng học trực tiếp tại trường. Ngoài ra, việc học trực tuyến còn có những hạn chế khác như: khó khăn về thiết bị, điều kiện dạy và học trực tuyến, đường truyền Internet không ổn định, HS tiểu học chưa thể tự mình thao tác vào lớp học; việc nhìn vào màn hình máy tính hoặc điện thoại quá lâu trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe, thể chất của HS… Đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, diễn ra hôm 11/11.

Thông tin đáng mừng được bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ là có khoảng 95% HS trên địa bàn tỉnh đồng ý tiêm chủng. Số còn lại không tham gia tiêm chủng vì nhiều lý do (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, số ra ngày 12/11). Như vậy, sau khi số HS đã đăng ký nêu trên được tiêm đầy đủ vắc xin, tỷ lệ bao phủ vắc xin trong học đường sẽ đạt rất cao và đủ điều kiện để mở cửa trường học, đón HS trực tiếp đến trường trở lại. “Những HS không tham gia tiêm vắc xin vẫn được tới trường và được bảo đảm các quyền lợi học tập”, bà Trần Thị Ngọc Châu khẳng định.

Dịch bệnh COVID-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp và Việt Nam cũng đã xác định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định công thức phòng, chống dịch chuyển sang “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân”. Hy vọng rằng trong một ngày không xa, các em HS sẽ được trở lại học trực tiếp tại trường, được an toàn khi ra khỏi nhà và phụ huynh sẽ không còn băn khoăn, lo lắng về sự an toàn của con em mình nữa.

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.