Tổ COVID cộng đồng, "lá chắn" phòng chống dịch

Chủ Nhật, 07/11/2021, 19:13 [GMT+7]
In bài này
.

Tăng cường giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những người về từ các các địa bàn dịch cấp độ 3, 4 là một trong những yêu cầu của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP. Công điện 700 ngày 25/10 của Bộ Y tế đề nghị các địa phương phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng, tạo “lá chắn” vững chắc, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong kiểm soát, khống chế dịch bệnh kịp thời.

Bộ Y tế đã rất đúng khi đề nghị các địa phương phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng trong bối cảnh cả nước “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Những ngày gần đây, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã thay đổi cấp độ dịch do số ca F0 trong cộng đồng gia tăng. Nếu có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của Tổ COVID cộng đồng, việc kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh ở các địa phương chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.

Từ ngày 16/10, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, BR-VT nới lỏng giãn cách, “mở cửa” cho người ngoài tỉnh vào địa phương. 3 tuần qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã liên tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng, trong đó nhiều ca có nguồn lây từ ngoài tỉnh và nhiều ca chưa rõ nguồn lây. Đáng báo động là tình trạng người từ ngoài tỉnh đến cư trú tại nhà người thân trên địa bàn nhưng chưa tự giác khai báo y tế, hoặc chậm khai báo y tế; Ý thức cách ly tại nhà của một bộ phận người dân trở về từ vùng dịch cũng chưa cao, gây khó khăn không ít cho công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch.

Mô hình Tổ COVID cộng đồng được áp dụng lần đầu tiên tại “ổ dịch” Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) vào tháng 2/2020, sau đó được Bộ Y tế vận động triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước bởi tính hiệu quả mà nổi bật là phát huy vai trò, sự sáng tạo của nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Trong các đợt dịch - nhất là trong làn sóng dịch lần thứ 4, Tổ COVID cộng đồng ở các địa phương của BR-VT đã “chia lửa”, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng, từ việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đến giám sát, theo dõi những trường hợp đi về từ vùng dịch không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện cách ly đúng quy định báo cho chính quyền địa phương và y tế xã, phường để kịp thời xử lý…

Trong những lần xuống cơ sở thị sát, chỉ đạo phòng chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh luôn đánh giá cao vai trò của Tổ COVID cộng đồng, coi đó là nhân tố có vai trò quyết định, giúp cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Ông nhận định dịch bệnh hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, vì vậy hệ thống phòng, chống dịch các cấp và người dân, DN phải cảnh giác, nêu cao vai trò của mình trong phòng, chống dịch và chấp nhận đương đầu với dịch bệnh. Với tinh thần đó, Tổ COVID cộng đồng vẫn là mô hình quan trọng trong việc giám sát, phát hiện sớm, truy vết, cách ly những trường hợp nghi nhiễm, không để dịch lan rộng trong cộng đồng.

Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát và chưa có dấu hiệu dừng lại trong khi tâm lý chủ quan, lơ là, xem nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch đang xuất hiện ở một bộ phận người dân. Do vậy, bên cạnh chiến lược tiêm chủng vắc xin toàn dân, ý thức tự giác của mỗi người dân, Tổ COVID cộng đồng vẫn là mô hình phòng chống dịch quan trọng như nhận xét hình tượng của PGS. TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: Tổ COVID cộng đồng là vũ khí chống dịch độc đáo của Việt Nam, là một trong những chìa khóa hữu hiệu, phát huy sâu rộng sức mạnh toàn dân, là cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch, tạo động lực để mọi người dân, DN cùng nhau vượt qua đại dịch, duy trì và phát triển sản xuất, phục hồi kinh tế…

 TRƯƠNG TÙNG

;
.